Đây là bài viết rất lâu rồi, hồi nớ coan đệ tử nó ẩm ương...chừ thì thời thế thay đổi, hén đang hạnh phúc...hehe. Chắc nhờ cái bài ni đây mới dc rứa chớ. Hôm nay phơi lên cho nó máu và cũng để chứng minh là sp nó nói đúng hehee...ta phục ta quá :))
Tặng Sao Biển
Em về trước ngõ
bên cội hoa quỳnh
cành dao vẫy gọi
khúc buồn thiên thu
Ta viết tiếp bài thơ màu lụa trắng
Gởi cho em người ta nhớ một đời
Và có lẽ để là ghi dấu tích
Mộng ban đầu trong một buổi nguyên sơ
Từ cái thuở mây về ngang đỉnh núi
Cõi lòng ta đã khang khác dị thường
Nào ai biết cuối đường mây trắng ấy
Có một người viết nỗi nhớ lên mây
Những nét chữ nghiêng nghiêng hình sóng gợn
Có trùng khơi mang nỗi nhớ bạc đầu
Những nét chữ chẳng theo nhau vần điệu
Xếp từng hàng thành mây trắng miên man
Ta gom hết mảnh trăng ngà dát bạc
Ánh sáng trong trắng xóa đến tận cùng
Rồi ép xuống dưới tờ thơm trắng mộng
Run rẩy ngòi phóng nét bút bay bay
Mai mốt nọ dưới tờ thơm phương cảo
Có hồn thơ đang rướm máu đợi chờ
Thì hãy nhớ hôm nay và bữa nữa
Đốt dùm ta tờ thơ trắng loang loang
hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa sẽ mang được những gì về bên kia thế giới thụy ơi và thụy ơi
Năm 1968 bài thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê như một phúc âm buồn quạnh quẽ trôi trên thân xác con người trong cuộc chiến. Nơi mà những mất mát đau thương đã dằn xé con người ra thành trăm mảnh. Nhắc đến chiến tranh chắc hẳn những người đã từng đi qua chiến tranh mới cảm nhận đầy đủ những dư vị của nó. Tôi thât sự chẳng biết chiến tranh. Bởi lẽ rất đơn giản là tôi sinh sau đẻ muộn. Chỉ qua sách báo, tài liệu và lời kể…Nên đối với cái sự chết chóc của chiến tranh, tôi chẳng có chút nào ám ảnh như lớp người đi trước. Lớp người đã đứng trên bờ tử sinh, của chuyển giao lịch sử.
Nhưng trong tôi lại ám ảnh Khúc Thụy Du! Khi bắt đầu nghe ca khúc này của nhạc sĩ Anh Bằng
Một Khúc Thụy Du của thơ và nhạc. Hay nói cách khác là một của “Thụy ơi và thụy ơi”và một của “Thụy ơi và tình ơi”
Cái điểm chung mà tôi hằng thích thú và tò mò là cái tựa đề mang tên Khúc Thụy Du, và hơn nữa là “Thụy”. Thụy của lời kêu gần như tuyệt vọng: “Thụy bây giờ về đâu”.
Theo như từ điển Hán Việt thì Khúc Thụy Du tạm hiểu là?
- 瑞 thụy: điềm lành, tin tốt
- 睡 thụy: chỉ về giấc ngủ. Nguyễn Du có viết: Sơn ổ hà gia đại tham thụy, Nhật cao do tự yểm sài môn và được Quách Tấn dịch Nhà ai góc núi sao ham giấc, Nắng gội hiên chưa mở cánh bồng.
- 諡 thụy: Dành cho người chết.Tên hèm. Lúc người sắp chết, người khác đem tính hạnh sự tích của người sắp chết ấy so sánh rồi đặt cho một tên khác để khi cúng giỗ khấn đến gọi là thụy. Ta gọi là tên cúng cơm.
Khúc Thụy Du theo cách diễn giải của Du Tử Lê chỉ là một cách lồng ghép tên của ông và người tình sinh viên Dược trong lúc lúng túng tìm cái tiêu đề cho bài thơ. Và hơn hết là bài thơ viết về chiến tranh, tình yêu trong bài thơ chỉ là một phần nhỏ.
Người ta hay tranh cãi về điều này. Nhưng tôi nghĩ tranh cãi nhau làm gì. Trong khi Du Tử Lê đã xác tín bài thơ của ông một cách rõ ràng.
Rất mâu thuẫn khi nói về điều đó, bởi bản thân Khúc Thụy Du vốn là một bài thơ được phổ nhạc.
Nhưng cũng chính vì điều đó mà tôi càng tò mò và cuốn hút Khúc Thụy Du hơn. Đã bao lần tôi trắc nghiệm lại nội tâm của mình khi bắt đầu nghe bài hát hoặc khi đọc bài thơ. Thú thật giữa thơ và nhạc trong Khúc Thụy Du theo cảm nhận của tôi nó hoàn toàn khác nhau.
Nếu như Thụy trong Du Tử Lê thiên về sự chết chóc như một tiếng kêu tuyệt lộ thì Thụy trong Anh Bằng là một giấc mộng nửa hư nửa thực,vừa ma quái vừa liêu trai.
Có một Khúc Thụy Du trằn mình vì bom đạn cày xới, điếng tê với chiến cuộc hoang tàn và một sự chết chóc
Lại có một Khúc Thụy Du da diết với giấc mộng trăm năm…đứng lưng chừng giữa mê và thực.
Tôi cũng mê đắm Khúc Thụy Du của Anh Bằng . Bởi đơn giản nó là một bản tình ca. Một bản nhạc thiên về tình yêu, và cũng một phần tôi không hiểu hết về chiến tranh. Nên chăng tôi dễ rung cảm với những giai điệu, ca từ da diết và khắc khoải của bản tình ca hơn là bài thơ gốc
Trong một bài thơ mà chuỗi dài là sự chết chóc. Tình yêu chỉ là một chút ít gì đó lóe lên, nhưng tất mãnh liệt dưới ngòi bút của Du Tử Lê như câu này:” hãy cho anh được ôm/ em, ngang bằng sự chết”. Tôi cảm nhận giá trị đích thực của tình yêu. Nó có một cái gì đó rất là ghê gớm, có thể đánh đổi được mọi thứ. Điều này có thể lý giải được bởi trong tình yêu đích thực thì mọi thứ đều có thể. Du Tử Lê đã khắc họa riêng cho mình một tình yêu bằng cả sinh mệnh.
Và bạn nghĩ gì khi nghe những ca từ này:
Anh là chim bói cá Em là ánh trăng ngà Chỉ cách một mặt hồ Mà muôn trùng chia xa
Rõ ràng là sự day dứt đến gần như tuyệt vọng . Tuyệt vọng của tình yêu chứ không phải là nỗi tuyệt vọng của chiến tranh. Một biến thiên tình cảm đan xen giữa hư và thực. Cái mộng ảo mơ hồ lấn át người nghe. Đau xót và bàng hoàng, gần gũi và chia xa…Những cảm xúc nội tâm cứ dồn dập và thôi thúc người nghe như là câu hát :
Đừng bao giờ em hỏi Vì sao ta yêu nhau ……………………........... Vì sao và vì sao?
Bất chợt trào dâng lúc nào không hay để buột miệng tự hỏi;
Thụy bây giờ về đâu?
Sau mấy chục năm từ ngày bài thơ và bản nhạc ra đời. Chắc hẳn không ít người thầm hỏi như vậy khi nghe Khúc Thụy Du.
Thụy đã về đâu qua một chặng thương điền tang hải?
Tôi tạm xếp hai trường hợp và hai lối đi cho Thụy.
Có thể diễn giải rằng Thụy của ngày xưa và Thụy của ngày nay.
Thụy của lớp người đi trước và lớp người kế thừa.
Thụy của chiến tranh và Thụy của tình yêu
Thụy của sự chết và Thụy của lẽ sống
Cùng là một cái tên chung nhưng rõ ràng là có hai Thụy khác biệt.
Khi người ta còn cố níu kéo, còn có những ray rức, trăn trở của thời cuộc. Thì Thụy của họ phải là Thụy của Du Tử Lê.
Nhưng khi nói đến tình yêu về giấc mơ chưa đến được thì người ta nhớ đến Thụy của Anh Bằng.
Giữa hai luồng suy nghĩ đó thì từ khi ra đời Thụy đã chết!
Tôi không hề điêu ngoa chút nào khi tuyên bố như vậy. Thụy trong thơ đã chết nơi hòn đạn mũi tên, chết từ lúc biến cố lịch sử. Chết từ khi được chuyển tải thành những giai điệu du dương
Lý do chết rất đơn giản: Bởi vì chết để được giải thoát, để hồi sinh.
Khi nói đến sự mất mát, đau thương thời cuộc là chúng ta bắt đầu hướng đến một tương lai khác, một sự xây dựng và tái thiết. Chứ chẳng thể nào ôm cái quá khứ kia mà tiếc nuối, bi lụy. Cho nên Thụy đã chết
Nhưng đối diện với tình yêu người ta lại có sự hồi tưởng, những mất mát, những thứ chưa với được khiến con người dằn xé và muốn kêu gào lên cho thỏa sức. Muốn giằng co níu kéo…phải chăng vì vậy mà Thụy đã hồi sinh.
Khúc Thụy Du cho dù đứng ở lãnh vực nào dù thơ hay nhạc đều có giá trị cửa riêng nó. Bản thân cái tên gọi của nó đã mơ hồ, không phân định cho dù Du Tử Lê đã xác tín đến trăm lần người ta vẫn không thỏa mãn.
Cái hư hư, thực thực của nó như một thỏi nam châm cuốn hút người nghe lại. Nơi đó, con người mặc nhiên tưởng tượng, mặc nhiên ca ngợi say sưa, thỏa thích. Nơi đó người ta có thể sống lại phút giây riêng tư của mình, dẫu đau khổ hay được hạnh phúc thì nơi đó vẫn là nơi tự do nhất. Một cái thú, một niềm phấn khích dù rằng vừa thống khoái vừa bi ai.
Cái gì càng mơ hồ và khó lý giải thì bản thân nó có sức cuốn hút mãnh liệt, nó có thể trường tồn theo năm tháng. Nó bay qua cuộc đời này để người ta hiếu kỳ khám phá.
Phải chăng chính câu hỏi “ Thụy bây giờ về đâu?” như là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn cho những ai còn tiếc nuối, hoài vọng về tình yêu có dịp được nở hoa kết trái. Để lắng nghe nội tâm mình phát tiết dữ dội và những câu hỏi cứ đang xen lẫn nhau như một vết cắt ngọt ngào vừa xước qua cuộc đời này.
Và Thụy đã và đang về với những ai còn biết khắc khoải , lắng đọng với lòng mình, với cuộc đời mình nhưng vẫn hơn hết là với Tình Yêu đang còn dang dở.
Cảm ơn Anh Bằng khi ông đã chọn lọc những lời trong bài thơ Khúc Thụy Du và thổi vào đó một làn hơi khác, từng giai điệu rơi xuống một cách nhẹ nhàng trong tâm khảm người nghe một cách huyễn hoặc, mê hồn.
Và hơn ai hết, chính Du Tử Lê cũng thừa nhận điều này khi nói ra “Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…
Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông… “
Một khi ông cảm nhận được cái lý của Anh Bằng cũng chính là lúc chúng ta cũng đã hiểu Thụy đã về đâu.
Một ngày tôi tình cờ nghe lại bản nhạc “Rồi Một Ngày” của cố nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ, tôi nghe rất nhiều lần và liên tục…Không hiểu do ca sỹ Ngọc Lan trình bày quá xuất sắc hay là cái điệp khúc “Rồi một ngày, rồi một ngày…” cứ lặp đi, lặp lại hoài khiến tôi phải lắng nghe một cách chăm chỉ hơn.
Có thể nói những ca từ trong bài hát rất dung dị và đơn giản, nhưng độ sâu lắng thì rất mãnh liệt và da diết.
Tôi có thói quen nghe nhạc một cách ngẫu hứng và không giống ai. Chỉ nghe theo cái cảm xúc và nội tâm riêng của mình. Cho nên mỗi khi bắt gặp được niềm vui hay nỗi buồn tôi luôn có thiên hướng dàn trải và phơi bày cái cảm xúc của mình qua âm nhạc. Những lúc như thế tôi hay dừng lại và chiêm nghiệm ca từ của bài hát một cách triệt để, và từ từ gặm nhấm niềm vui hoặc nỗi buồn của mình qua từng lời của bài hát, cũng như những nốt thăng, trầm trong giai điệu của dòng nhạc. Lúc đó tôi thấy tiếc cho cái vốn liếng âm nhạc của mình quá. Nếu như. Vâng, nếu như!! Tôi là một người hiểu cặn kẽ về nhạc lý thì chắc tự sáng tác cho mình vài bài hát thì hay biết mấy. Hic! Tham lam quá!!
Tôi cảm nhận bài hát bằng cái vốn liếng âm nhạc ít ỏi của mình. Nhưng được cái “chất phiêu” và máu “lãng tử” trong người thì nó lên cao trào lắm. “Rồi một ngày” tôi lại như thế, bắt đầu từ những cảm xúc đan xen lẫn lộn. Để rồi cái điệp khúc “rồi một ngày” kia vô tình dắt tôi theo cái cảm xúc khi mà : “ Ngày hôm qua là một quá khứ, tương lai là một bí mật, và hôm nay là một món quà”.
Và thế là tôi gặp lại hình ảnh của Em trong bản nhạc. Em của ngày hôm qua, hôm kia, của quá khứ…Nhưng hôm nay lại là món quà rất lớn trong tôi, bỡi phía trước vẫn là một bí mật chưa khám phá.
Sự khởi đầu của bài hát là một chuỗi kỷ niệm rất tự nhiên và được phát triển thành một thứ gọi là Tình Yêu:
Rồi một ngày, anh quen em
Rồi một ngày, kêu quen tên
Rồi một ngày, không sao quên
Rồi một ngày, si mê thêm
Rồi một ngày... Rồi một ngày
Rồi một ngày... Một ngày phải đến
Ta biết! Ta biết... Rồi một ngày phải đến...
Ta yêu nhau... !!
Cung bậc tình cảm như được cấp số nhân, càng ngày càng lớn dần thêm và cuối cùng bùng nổ lên đến đỉnh điểm
Những điều cần thiết để hình thành và tô điểm cho Tình Yêu đều lần lượt xuất hiện. Cụm từ “Rồi một ngày” được lặp đi lặp lại như là một sự tự nhiên vốn dĩ của nó, chứ không phải là một sự sống sượng, trần trụi…Sự tự nhiên này nó chỉ dừng lại khi bắt gặp cái điều phải đến, phải có, đó là “Ta yêu nhau!!”. Không riêng gì tôi mà tất cả những ai yêu nhau cũng đều trải qua cái dư vị ấy, cảm xúc ấy. Đến lúc này tôi càng nhớ về Em hơn, sự dẫn nhịp trong ca từ bài hát hình như nó khiến cái cảm xúc của tôi dành cho Em và hướng về Em nhanh hơn. Cả một chiều sâu ngôn ngữ trong ca từ cùng với nội tâm như hòa làm một, tôi tận hưởng những điều đó bằng một thứ Hạnh Phúc Thầm Lặng của riêng mình.
Và tôi lại bắt đầu với sự trăn trở khác, càng thấm thía thêm cái dư vị của Tình Yêu khi bắt gặp những ca từ như thế này:
Rồi một ngày, không bao lâu
Rồi một ngày, không xa đâu
Rồi một ngày, nghe xanh xao
Rồi một ngày, nghe thương đau
Rồi một ngày... Rồi một ngày
Rồi một ngày... Một ngày phải đến
Ta biết! Ta biết... Rồi một ngày nào đó...
Ta xa nhau... !!
Một sự tê điếng vừa xảy ra, tôi tin rằng đàng sau sự đổ vỡ, mất mát thì bất cứ ai cũng bàng hoàng và hoảng hốt.
Tôi cũng là một người như thế, không ngoại lệ. Nếu như “Ta yêu nhau” là một khẳng định một kết cuộc đẹp đẽ, đầy mật ngọt thì với “Ta xa nhau” là một điều ngược lại hoàn toàn, một lời khẳng định thật phủ phàng và đau đớn. Cũng là “Rồi một ngày” nhưng lúc này là rồi một ngày dần xa, trôi tuột... Đến bây giờ thì nội tâm tôi bị xáo trộn mãnh liệt, sự dịu ngọt mới vừa nếm trải bây giờ lại nếm thêm cái hương vị đắng chát kia nữa... “Rồi một ngày” nó không còn nguyên vẹn theo ngày xưa nữa thay vào đó là sự lặp lại một cách nặng nề. Từng câu là từng nhát kiếm đâm vào lồng ngực nghe đau nhói ,râm ran.
Tôi thừa hiểu cái sự chia ly hay mất mát kia, bỡi cuộc sống này nó vốn vậy, nó không phải hoàn toàn màu hồng như người ta mong muốn:
Ta biết thế, vì tình yêu vẫn thế
Ta không tin, ta cứ hỏi lòng ta
Ta biết thế, vì trần gian vẫn thế
Ta không tin, Ta cứ hỏi trời già
Khi yêu đương, khi yêu đương
Khi yêu đương, tình là đoạn trường
Cơn đau thương, nước mắt buồn
Ta biết rồi, nhưng..... ta yêu nhau!
Ta biết trên cuộc đời này không có mấy một Tình Yêu trọn vẹn, nhưng ta vẫn cứ thấy tiếc, vẫn thấy khoắc khoải…Ta tự hỏi lòng mình có chấp nhận không? Và lòng ta hình như cũng thưa hiểu mà sao lại vẫn hoài nghi?. Đành hỏi bâng quơ, hỏi trời, hỏi đất…Tại sao vậy? Chắc bởi ta cũng là người thường, cũng là phàm phu tục tử cho nên mới tiếc nuối, hoài niệm... Mới thảng thốt giật mình, dẫu rằng là thế, biết thế mà sao không được? Nhưng…ta yêu nhau!
Tôi như vỡ òa với muôn ngàn cảm xúc. Ừ, đúng rồi! “Nhưng…ta yêu nhau” mà. Ta yêu nhau thì cho dù “rồi một ngày” có xảy ra điều gì đi nữa thì ta vẫn và đã từng yêu nhau thôi. Tất cả đều là vô nghĩa hết!
Rồi một ngày, ta thương nhau
Rồi một ngày, nghe xanh xao
Rồi một ngày, nghe thương đau
Rồi một ngày, ta xa nhau
Rồi một ngày... Rồi một ngày
Rồi một ngày... Một ngày phải đến
Ta biết! Ta biết!
Ta biết! Ta biết rồi!
Nhưng..... ta yêu nhau!
Những chuỗi hạnh phúc và tan vỡ, sự nhớ thương hay hờn giận đan xen nhau, tất cả chỉ cố tình tạo ra những cung bậc khác nhau của Tình Yêu, khiến Tôi và Em cứ như đến với nhau từ cõi mộng. Cảm ơn Hoàng Thi Thơ trong một ngày lơ ngơ đã mang đến cho tôi một món quà vô giá.Cảm ơn ca sỹ Ngọc Lan và cảm ơn ai đó đã vô tình đánh rơi bài hát này trước hiên nhà để tôi nhặt được. Tôi như được rong chơi trong khu vườn tình luyến ái, những kỷ niệm cứ theo nhau ùa về…Để “Rồi một ngày” tôi nhận ra tương lai phía trước dù có bí mật đến lớn lao mấy thì tôi vẫn không ngại ngần gì nữa. Ngày hôm nay tôi đã có một món quà vô giá đó là có Em. Cho dù thời gian sau này có là “rồi một ngày” ra sao đi nữa. Nhưng…Tôi và Em yêu nhau thế là đủ lắm rồi!
Rồi một ngày... Rồi một ngày
Rồi một ngày... Một ngày phải đến
Ta biết! Ta biết!
Ta biết! Ta biết rồi!
Nhưng..... ta yêu nhau!!!
Như một sự khẳng định tuyệt đối của Tình yêu nhưng trong đó có niềm da diết khôn nguôi bất tận, nó gần như là mà tiếng kêu thảng thốt, dư âm nó vang vọng và lay động người nghe. Tôi bàng hoàng xúc động khi cảm nhận được rằng đàng sau những phải trái đời thường, những mất mát, tan biệt là một chuỗi âm thanh trùng trùng tha thiết vọng về. Những gì ta biết hay em biết tất cả là sự khẳng định thiết tha mà pha lẫn chút nghẹn ngào.
Một bài hát thật hay trong một ngày đầy xúc cảm…
Tôi biết đâu đó Em vẫn như vậy và cũng hạnh phúc khi hiểu ra rằng “ Và Tôi cũng yêu em”. Nhưng trên hết vẫn là…Ta yêu nhau!!! Em nhé!
Có điều gì khi nắng ở cuối sân
Nơi những sợi vàng cuối ngày rơi thật khẽ
Chạm nhẹ vào đêm
Nồng nàn vương vào tóc
Môi ngọt mềm xô lệch chiếu chăn…
Có điều gì khi em nói với anh
Mai…
Mình chia tay nhé!
Lời nói thì thầm rót vào tai thật nhẹ
Ừ! Thì quá nhẹ
Nhẹ đến cõi lòng anh tênh hênh
Mai thôi!
Mà sao nghe nghiệt ngã
Chẳng phải bây giờ sao lại thấy chia xa?
Mai chia tay rồi hoa vàng trổ cho ai
Đồng rộng nắng chỉ còn là xa vắng
Và ai giấu chùm hoa lẳng lặng
Trao tay ai?
Ai ngẩn ngơ nhìn?
Mai em về nắng cúi xuống sau lưng
Tạm biệt nhé!
Nửa hồn anh nương náu
Bóng đêm trổi bài ca mang tên hạnh ngộ
Những kẻ cô đơn trong đêm tối chỉ một mình
Trách làm sao được
Chẳng phải là thiên thu
Chỉ là ta…
Đi tìm cho mình một nửa
Một nửa còn hồ nghi và những điều còn nghi ngại
Một nửa con tim còn sót chút dại khờ
Một nửa của ước mơ trong một lần tình cờ ta bắt gặp
Để nửa bên này biết nhớ nửa bên kia…
Mai em về
Mai không phải bình minh
Chẳng ánh sáng dù anh cố tìm một chút gì le lói
Chỉ thấy màn đêm và đất trời vần vũ
Mai em về từ đó biết hoang vu.