Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Đọc thơ: Những sự tương tác

Đọc thơ: Những sự tương tác
" Đọc thơ, như vậy, là một sự tương tác. Có vô số kiểu và vô số mức độ tương tác. Tương tác giữa kiến thức và trí tuệ. Giữa kinh nghiệm và kỳ vọng. Giữa ký ức và ước mơ. Giữa lý trí và tình cảm. Giữa óc phân tích và khả năng cảm thụ. "


Đọc thơ: Những sự tương tác



Người ta tiếp nhận bài thơ bằng tai và mắt nhưng tiêu hoá bài thơ chủ yếu bằng tri thức và trí tuệ.

Một số người đề cao lối đọc thơ hồn nhiên và ngây thơ, chỉ cậy vào trực cảm. Đó chỉ là một ảo tưởng.

Không có cái đọc văn học nào đi ra ngoài những tri thức về việc đọc và về văn học nói chung. Người ta không thể đọc thơ nếu không biết cái văn bản mình đang đọc là thơ. Không phải ngẫu nhiên mà, ở buổi đầu của các cuộc cách mạng thơ, hầu hết các bài thơ tiên phong đều bị phủ nhận trước khi bị phê phán: Người ta không xem chúng là thơ trước khi chê chúng là thơ dở. Có thể nói, trong trường hợp này, yếu tính có trước hiện hữu, hay, nói theo cách nói của René Descartes, “Đó là thơ, vậy nó được đọc như thơ”.

Nói cách khác, đọc thơ, dù muốn hay không, bao giờ cũng là đọc ngược: Ngược về những bài thơ trước đó; ngược đến tận những bài ca dao và những bài hát ru mà người ta nghe từ lúc mới lọt lòng. Con đường ngược chiều ấy càng dài và càng phong phú bao nhiêu, việc tiêu hoá bài thơ sẽ càng dễ dàng và sâu sắc bấy nhiêu. Con đường ngược chiều ấy dài bằng lịch sử thi ca của một nước hay nhiều nước, lại càng tốt hơn nữa: người ta sẽ có nhiều cơ hội để phát hiện, ít nhất, những tính chất liên văn bản trong văn bản của bài thơ ấy: có khi chính những làn sáng hắt từ xa, rất xa, làm bài thơ đẹp hẳn lên. Ngược cả trong lịch sử tư tưởng của nhân loại, hoặc ít nhất, của một dân tộc, về thơ để có thể nắm bắt được những nền tảng mỹ học đằng sau bài thơ và những cách tân, nếu có, mà bài thơ ấy mang lại.

Đọc thơ, dù muốn hay không, bao giờ cũng là đọc toả, theo chiều rộng, đến những bài thơ khác cùng đề tài hoặc cùng thể loại; đến những chữ có họ hàng với những chữ trong bài thơ. Nguyên tắc là càng toả rộng ra ngoài bài thơ bao nhiêu thì càng có cơ hội lắng xuống chiều sâu của bài thơ đang đọc bấy nhiêu.

Đọc thơ nên đọc nhảy, nhảy về phía trước, phía của tương lai, để có thể nắm bắt được những cái đẹp đang hình thành, những mùa hoa vừa mới chớm, đang còn e ấp trong nụ. Như những người nhạy cảm nhất trong một thời đại thường đọc khi lần đầu tiếp cận với những bài thơ đầu mùa.

Đọc thơ, như vậy, là một sự tương tác. Có vô số kiểu và vô số mức độ tương tác. Tương tác giữa kiến thức và trí tuệ. Giữa kinh nghiệm và kỳ vọng. Giữa ký ức và ước mơ. Giữa lý trí và tình cảm. Giữa óc phân tích và khả năng cảm thụ.

Quan trọng nhất vẫn là sự tương tác giữa người đọc và chữ. Sự tương tác này có giới hạn: người đọc không thể thay đổi chữ trong văn bản. Nhưng người đọc có thể tác động lên diện mạo của chữ bằng cách phát hiện những sự tương tác giữa chữ và chữ. Có ba phạm vi tương tác: trong nội bộ một từ hoặc một ngữ (phrase); giữa từ này và từ khác trong một tác phẩm; giữa một từ nào đó trong tác phẩm và những từ khác nằm ngoài tác phẩm, từ trong văn học đến ngoài đời sống.

Hai phạm vi sau tương đối dễ hiểu. Tôi chỉ muốn nói một chút về phạm vi đầu: sự tương tác trong nội bộ một từ. Lấy từ “cõi người ta” trong câu “Trăm năm trong cõi người ta” mở đầu Truyện Kiều làm ví dụ.

“Cõi người ta” là gì? Để trả lời, trước hết phải hỏi “người ta” là gì? Đó là một từ ghép với hai từ tố: “người” và “ta”. Tuy nhiên, để ý mà xem, trong “người ta”, chỉ có “người” chứ không có “ta”: “Người ta” là người khác, những người khác, đối lập với mình. Bởi vậy, người Việt Nam mới có thể nói, chẳng hạn: “Mình nghĩ vậy nhưng người ta thì nghĩ khác”. Có thể nói, “người ta” là sự vong thân của “ta”, ở đó, “ta” bị đè bẹp và cuối cùng, bị hư vô hoá. Khi “người ta” kết hợp với “cõi” thành “cõi người ta”, ngay cả “người” cũng bị vong thân nốt. Thì nghĩ lại mà xem, “cõi người ta” đâu phải “cõi đời” hay “cõi thế”. Chữ ‘cõi” đã trừu tượng hoá ý niệm “người ta”, biến “người ta” thành một thứ quan hệ chứ không còn là một thực thể. “Cõi người ta” là nơi không có người, chỉ có tính người và tình người; có điều, cả cái “tính” và cái “tình” ấy đều nhuốm chút màu sắc tiêu cực: “Cõi người ta” bao giờ cũng là một mảnh đất nhiều người lắm ma, nói theo nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường. Truyện Kiều mở đầu bằng “cõi người ta”, do đó, cũng là mở đầu một cuộc hành trình đi vào một thế giới bị tha hoá, đầy những nghịch lý và những bi kịch.

Tương tác giữa người đọc và chữ, do đó, dù muốn hay không, cũng dẫn đến sự tương tác giữa người đọc và tác giả. Sau bài thơ nào cũng có một con người. Khi giới lý thuyết và phê bình nói đến cái chết của tác giả, họ không hề phủ nhận tác giả: họ chỉ phủ nhận vai trò của tác giả trong việc quyết định cấu trúc và ý nghĩa của tác phẩm. Tác giả không chết, nhưng tác giả luôn luôn vắng mặt. Viết là tự bôi xoá, là làm cho mình trở thành kẻ vắng mặt. Đọc là đối thoại với một kẻ vắng mặt, hơn nữa, kẻ tự huỷ. Tác giả tự huỷ bằng cách nhập thân vào tác phẩm. Nhưng tác phẩm chỉ là chữ. Chữ, một phần thuộc về cộng đồng; phần khác, thuộc về lịch sử; và phần khác nữa, thuộc về kiến thức và kinh nghiệm của người đọc. Hệ quả là bức chân dung của tác giả mà người đọc có thể hình dung được bao giờ cũng có, ít nhất một phần, chân dung của người đọc. Từ đó dẫn đến một hệ quả khác: sự tương tác giữa tác giả với độc giả trở thành sự tương tác trong bản thân độc giả.

Đọc thơ là một cách độc thoại.

Khi đọc thơ, người ta không chỉ đọc thơ. Đọc thơ còn là đọc các cảm xúc và ý nghĩ dậy lên từ chính tâm hồn của mình. Không thể nói được cái đọc nào quan trọng hơn. Cả hai có quan hệ liên lập: không có cái này thì không có cái khác. Theo tôi, việc thưởng thức thơ rất giống việc thưởng thức rượu. Người ta cân nhắc cái ngon và cái dở của rượu ở đâu? Không phải ở cái chai hay cái ly. Cũng không phải ở cái chất lỏng trắng tinh, vàng óng hay nâu đậm… được gọi là rượu. Không, người ta cân nhắc ở cái vị hay cái hậu của rượu còn lại ngay trên chính đầu lưỡi hay vòm họng của mình. Đọc thơ cũng thế: từ phân tích, người ta đi đến tự phân tích, từ văn bản người ta đi vào sâu, sâu hút, trong tâm tư của chính mình.

Nhưng tâm tư không phải là một cõi riêng. Ngay chính tâm tư của con người cũng là một sản phẩm của xã hội. Tâm tư nào cũng đầy chữ. Mà chữ thuộc về đám đông. Những âm vang mà bài thơ khuấy động trong tâm tư thực chất là cuộc hoà tấu của văn hoá và thời đại. Đọc thơ, do đó, là tương tác với cả thời đại. Đã có nhiều người nói: Mỗi thời có một cách viết khác nhau. Theo tôi, cũng đúng sự thật nữa, nếu nói: Mỗi thời có một cách đọc khác nhau. Có tuổi-thời-đại của bút pháp. Cũng có cả tuổi-thời-đại của phê bình. Người đọc cũng bị những hạn chế lịch sử không thua kém gì người cầm bút. Để thoát khỏi hạn chế của lịch sử, ở đâu cũng cần tài năng và dũng cảm, do đó, tính tiên phong hay tiền vệ không phải chỉ có, và cần có, ở sáng tác mà còn cả trong việc đọc nữa.

Nói một cách tóm tắt, đọc, trước hết, là tiêu thụ một văn bản, là giải mã và diễn dịch văn bản; sau đó, thông qua văn bản, tương tác với ngôn ngữ, văn hoá, thời đại, với tác giả và với chính mình. Đọc có tính tổng hợp: Nó huy động cả giác quan (chủ yếu là thính giác và thị giác) lẫn tri thức và trí tuệ, nghĩa là, huy động hầu như toàn bộ nội lực văn hoá của con người. Bởi vậy ít có cái đọc nào giống nhau. Cùng đọc một tác phẩm, hai người có hai nội lực văn hoá khác nhau, sẽ thấy những điều hầu như khác hẳn nhau. Khác về chiều sâu. Khác về chiều rộng. Có khi khác cả về bản chất: với người này, nó là một tác phẩm nghệ thuật; với người kia, nó có thể chỉ là một công cụ tuyên truyền hay giải trí. Ngay ở một người, hai cái đọc ở hai thời điểm khác nhau, với những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, tác phẩm cũng có thể có những diện mạo khác nhau. Người ta hay ví một tác-phẩm-được-đọc với dòng sông của Heraclites, nơi không ai có thể tắm hai lần là vì vậy.

Cái thú lớn nhất của việc đọc, kể cả đọc thơ, không chừng nằm ở đó.

Ở chỗ: người ta không thể thực sự đọc cái gì hai lần.

Đi vào thơ là đi vào thế giới của các trinh nữ. Vĩnh viễn trinh nữ.

Nguyễn Hưng Quốc

58 nhận xét:

  1. Tem thui! :D
    Rồi ngồi hóng xem có ai chém quả hàng xách tay này hem để mềnh vỗ tay nào :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là m mở hàng xôm thật! :))

      Vừa dc Tem vừa " cổ vũ" cho giang hồ mài dao đến chém h.

      Tks nhé! :D

      Xóa
  2. Tớ chả hiểu cậu quăng cái này lên làm gì. Ừ thì vì cậu hay thơ thẩn, ừ thì cậu muốn khai sáng, ừ thì bài viết rất nuột. Nhưng cái ông kia, NHQ, viết lòng vòng một hồi cũng chả đưa ra được thế nào là thơ. Phải chứng minh thế nào mới được là thơ thì mới có thể nhận định là đọc thơ như thế nào. Nói tóm lại vẫn là văn hoá đọc! Người đọc tự chọn cho mình thơ để đọc, đâu phải đọc để tìm thơ.
    Tại sao ca dao được viết theo thể thơ mà người ta không gọi là thơ lại đi gọi là ca dao?
    Hoặc như bây giờ, người ta, không chỉ là đọc thơ không thôi mà đã tiến tới trình diễn cả thơ nữa. Cảm thụ một tác phẩm được gọi là thơ đâu chỉ đọc không mà còn phải cảm nữa. Cái cảm thơ thế nào sao có thể nhận định vu vu qua cách đọc?
    Người ta, nhiều khi thật lạ.
    Đấy, ngay cả người ta ở đây đâu cần phải dở tới Kiều chỉ để nói rằng người ta là người ta không phải là mình, người ta là thế giới khác hay chân trời khác.
    Không những cần có văn hoá đọc mà cần nữa là văn hoá viết! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :)) Phải thẳng thắn thế chứ. Tớ thích cậu ở điểm này :D

      Tớ đang bận nên trả lời cậu sau vậy. Bây giờ thì để tạm đó đã...hehe.

      Xóa
    2. Nếu như cậu hỏi thế nào mới là thơ và phải chứng minh nó thì tớ cũng có thể trả lời được rằng: Thơ là sự thăng hoa cảm xúc và đồng điệu của tâm hồn.

      Cũng chính vì lẽ đó mà nó đã hao tốn không biết bao nhiêu là giấy mực từ trước đến nay. Người ta rất dễ dàng vin vào lí do này để tự bào chữa hoặc biện hộ và có đôi khi phán quyết nữa. Rằng thơ như vậy thì đối với tôi là sự đồng cảm, đối với tôi như vậy là hay...vân vân. Nói như thế ai nói chả được, nói như thế thì thơ nào chả phải hay. Tớ nói thêm cho rõ ý là với riêng tớ thì không có thơ dở, chỉ là thơ hay hoặc không hay và nếu thêm nữa thì nó không phải thơ.

      Thế nên tớ nghĩ trước tiên cần phải biết cách đọc và cảm thụ trước đã, sau đó mới nhận biết nó có phải là thơ hay hoặc chưa hay. Thơ chiếu, thơ làng, hội hè, đình đám... không phải sản xuất ra hàng loạt các bài thơ đó sao? Cho nên nó cần phải có sự tiếp nhận của lý trí để khẳng định sự rung động của mình là chính xác, nói cách khác là có một cơ sở nhất định nào đó.

      Nếu nói sự rung cảm không thôi thì chỉ cần một câu thơ có khi người ta cảm giác mơ hồ vời vợi, chưa định hình, chưa nắm bắt mà chỉ nghe ngâm nga hoặc đọc được là bất chợt thấy thích thú rồi. Cái này ai cũng từng gặp, ai cũng trải qua cả...Tớ nói ví dụ như câu " Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản" của Thôi Hiệu. Trong chúng ta ai cũng từng nghe đôi lần câu này, có thể chưa am hiểu hết vốn liếng của Hán Việt vẫn thấy thích, thấy điều gì đó như là đành đoạn, dứt bỏ của một đi không trở lại dù rằng chưa thể cặn kẻ. Nhưng nếu một khi đã có một vốn liếng về Hán Việt, biết nó rõ ngọn nguồn giống như những lớp người thời đó, thì chẳng phải vỗ đùi đen đét mà gật gù khen hay lắm sao? Chả phải Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu cũng vì đọc bài thơ đó mà không thể cầm bút đề thơ đó sao? Hay như câu Kiều của Nguyễn Du mà cậu nói kia " Trăm năm trong cõi người ta". Nếu đọc câu đó mà nghĩ đến câu sau " Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau" thì đơn giản quá. Chuyện chữ tài, chữ mệnh tớ nghĩ chẳng qua cũng chỉ là nói đến cái chuyện đã có, chuyện đã rồi, của đời đời kiếp kiếp...Câu sau chỉ làm rõ ý câu trước thôi. Thật sự cái hay là ở câu trước, NHQ lý giải không sai. Đó chính là lời cảm thán của tha nhân, cõi người ta chẳng còn là những câu chữ xếp theo một cách trật tự nữa mà nó là cách cảm thụ của sự nhận xét từ lí trí. Cho nên nó mới mênh mông, từ "người ta" đến khi không còn là "ta" nữa...

      (Hic! Viết chơi vài dòng mà sao nó dài ra cả thước thế này :)) )

      Xóa
    3. Khà khà... Thơ nếu chỉ là sự thăng hoa của cảm xúc và là sự đồng điệu của tâm hồn không thôi thì tớ chả có gì nói thêm nữa!
      Người cầm bút trước khi viết sẽ xác định mình viết thơ hay viết văn xuôi (truyện ngắn, ký sự, tạp bút, tiểu thuyết...).
      Người đọc xác định hình thức văn chương nào mình cần đọc rồi mới chọn.
      Đọc rồi mới có những cảm nhận riêng.
      Mà đã là cõi riêng thì chớ có khai thông theo chiều hướng đó.
      Nói túm lại tớ chả khoái cái kiểu trình luận của NHQ.
      Nói túm lại tớ chả bàn tới văn chương khi tớ chả có đủ tài lực mà bàn về văn chương. Đối với giới đó tớ cụp mũ xuống vậy. :)
      Cho nên tớ cứ tưng tửng theo cái linh tinh xuất hiện trong đầu tớ mỗi lúc mỗi kiểu cho nó nhẹ đầu. Để thỉnh thoảng cậu bảo tớ, ê, lại thất tình à là tớ được cười phá lên!

      Xóa
    4. Đấy, đã bảo là cứ chịu khó ngồi hóng, thế nào cũng được xem họ giương đao với nhau mà :))

      Xóa
    5. À há!

      Thì thơ nó vốn thế mà, từ đơn giản biến thành phức tạp và khi quá phức tạp thì nó trở về với đơn giản...Nên cậu không nói hay có nói nó cũng thế cả :)).

      Tớ thì ngược lại với cậu là thích bài viết này nên tớ mới chưng lên đó :D. Nhiều lúc để dặn mình nếu có đọc thơ thì phải nghiêm túc một tí để khỏi phải hời hợt cẩu thả.

      Cậu tưng tửng nên cậu thỉnh thoảng phải chịu mang tiếng "thất tình" với tớ thôi! hehe :))

      Xóa
    6. Thế em Cầm có muốn giương đao mí anh không hử? Hay chỉ thích chơi trò du kích kia? :))

      Xóa
    7. Dạ thoai, em liễu yếu đào tơ, sức mấy mà ra gió :))

      Xóa
    8. Chị tưởng Vy Cầm lãnh đao đủ rồi? :)

      Xóa
    9. Oài, giờ em lên bằng máy tính nên mới thấy cái comt này của chị! :)
      Mà sao chị tưởng hay thế, biết là em đã từng bị đao chém tả tơi?! :((

      Xóa
  3. Thơ là xếp chữ vào với nhau thôi, thế mà cũng lằng nhằng. Đây này: ... 2 tay 2 củ su hào/ loanh quanh không biết nền xào hay kho ? Đấy, vần điệu nhé, xếp đặt nhé, tâm trạng nhé :))

    Cảm đê.....:))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vầng! Thơ hay, nhưng mà chưa thể nổi tiếng được. :))

      Chúc bạn may mắn lần sau...:))

      Xóa
    2. Tiêu huynh đâu có cố mần thơ để nổi tiếng đâu. Cậu cứ nhầm nhọt sang trồng trọt như thế thì chết! :)

      Xóa
    3. Ơ hay! Tớ có nói Tiêu huynh làm thơ để nổi tiếng đâu? Tớ nói theo cái " Cảm đê..." của Tiêu huynh cơ mà...hehe . Là ý kiến ý cò đới :))

      Xóa
  4. Quên. Anh ko bình về cái đạo tương tác chữ nghĩa của ông NHQ này, nhưng anh khẳng định với chú Lãnh, cha này chả biết cái dek gì về rượu cả. Phán như đúng rồi trong cái ví von rượu ngon ko nằm ở chai hay ly, ở chất rượu trắng hay vàng... Thằng cha này đúng là con ếch ngồi đáy giếng trong văn hóa rượu. Chú sang nhà anh, lục bài về rượu đưa cho kụ Khốt này đọc đê :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh nói chính xác rồi! Em thật sự thấy NHQ ví von thơ giống như rượu thì không thỏa đáng, kể cả thơ giống như đàn bà đi chăng nữa cũng không được. Thơ chỉ là thơ thôi, nếu lạm dụng ví von nó lập tức vô mê hôn trận, quanh quẩn không có lối thoát.

      Em mặc dù chưa có kinh nghiệm về rượu nhưng cũng đã từng đọc bài viết của Tiêu h rồi. Cảm giác rất hay, mà em nhớ hình như lão NHQ này cũng có bài về rượu thì phải, em thật sự không ấn tượng mấy. Nhưng Tiêu huynh một khi đã nói như vậy thì cũng phải biểu diễn một chút công phu để người đọc mục sở thị chứ? Ai chơi bắt em chạy qua nhà lay "tuyệt kỹ" rôi đem đi lưu diễn thế coi sao dc .

      Thế nên em nghĩ tốt nhất là Tiêu h cứ chia sẻ một ít kinh nghiệm về rượu là tốt nhất. :))

      Xóa
    2. Ặc! Sao ba phải được. Tớ muốn Tiêu h chứng minh cái khái niệm về rượu cho mọi người biết mà? Chứ nói như Tiêu h thế thì tớ nói đến sáng cũng dc. Cho dù tớ đã đọc cái bài kia của Tiêu h thì đã sao? Ít ra thì tại nơi đây phải để Tiêu h thi triển vài đường võ công chứ. Cậu khéo đùa...hừm

      Xóa
    3. Anh không chơi với VOA hay RFA, nên anh không thi triển sang bên đó. Chú Lãnh quảng giao chơi rộng nên mới nhắn chú ném qua đó cho lão Quốc rửa mắt soi tâm. Chứ ao nhà này, gọi là hát cho nhau nghe thôi :))

      Xóa
    4. Vâng! Nếu anh đã nói vậy thì để hôm nào em gặp lão ấy thì chém vài đường lấy gió chút cũng được :))

      Xóa
  5. Phải công nhận là dự cảm khi Tem của mềnh đúng. Lãnh (chính xác là quả hàng xách tay của Lãnh) bị chém tơi tả thật! Há há :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh thấy có sao đâu cưng! Anh trên thông thiên văn, dưới tường gái gú...mấy chuyện này sao làm khó dễ anh dc cưng :))

      Xóa
    2. Tôi xin cụ! Nghe phát ớn! Cụ xuống chiếu ngồi cho tôi nhờ! :)

      Xóa
    3. Tớ chả dại chui vô chiếu cho Nguyễn Hoàng Đức lão ấy chửi. Tớ một khi đã lên thì phải lên đỉnh mới chịu chứ dễ gì chịu nước xuống trầm...hehe :))

      Xóa
  6. Nói thế Vy Cầm chắc đang vui khi xui anh em nhà tớ chém nhau? Mà chị thì khi đã vung kiếm lên là hay thay đổi mục tiêu lắm. Dù trước nay vẫn được dạy không được thọc gậy bánh xe. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, em lạy chị ạ! :P

      Là em đoán, chứ có dám xui đâu. Còn em cười vui thế là vì xưa nay em ghét Lãnh, huynh í bị chém lần nào em vui lần í :))

      Mặt khác, chém cũng có dăm bảy đường, đôi ba loại kiếm khác nhau. Kiếm rất sắc nhưng trên tinh thần vui vẻ, không vì một mục đích nào khác ngoài bảo vệ chính kiến như các anh chị đây, VC em rất hào hứng chiêm ngưỡng!

      Và em đặc biệt khoái những người phụ nữ cá tính! Thực sự! :)

      Xóa
    2. Đứng lên! Đứng lên! Không cần đa lễ! :)
      Nói để em hiểu thôi, chị chả mấy khi còm blog người khác nếu đó không phải là bạn mình. Và vì là bạn mình nên nói với nhau dù theo cách nào cũng sẽ hiểu nhau thôi. Tuyệt không bao giờ có ý đả kích đối phương nên em yên tâm. Chứ chị và chàng Lãnh này á, chém nhau thì em chỉ lăn ra cười cứ không chỉ ngoác miệng cười ra đâu. :D
      Tuần mới rồi, chúc hai anh em vui vẻ và mọi sự suôn sẻ! :)

      Xóa
    3. Đấy, một đặc điểm nữa của chị (em tự đặt tên là cá tính, dù trên mạng nhưng chắc cũng khá giống ngoài đời) mà em thấy thích: không mở lời ở những nơi không, và chưa phải là bạn! :) Hihi, like, bởi vì em giống chị :D

      Em thì không phải là bạn của ông anh đây, chỉ là oan gia kiếp trước (chả biết có phải) nên cũng ko ít những lần cãi cọ, và bình thường thì không bao giờ có nổi dù chỉ là nửa lời ngọt ngào! Nhưng mà vì hắn rất chi là đê tiện, nên cũng đáng! =))

      Haha, em lăn ra cười rồi đó chị, rất sảng khoái và thoải mái ngày đầu tuần.

      Chúc chị và anh em kiếm luôn sắc, tâm luôn sáng để tiếp tục chém giết trên tinh thần tất cả vị nghệ thuật!

      (Oái, em nhiễm bệnh của Lãnh rùi hay sao í chị, trước đây em ít khi nổ như này lắm á) :))

      Xóa
    4. Nghe mấy chị em bàn cách mài đao mà mình phát sốt ;))

      Xóa
  7. Ý tuy không mới nhưng ông NHQ diễn đạt làm cho người đọc (hoặc chính ông cũng) nghĩ rằng: đọc thơ thì phải soi bên nọ, ngó bên kia, chăm chăm tìm kiếm cái hay cái đẹp. Cái hay cái đẹp nó sẽ tự đến, tự nhận ra qua con đường trực cảm. Việc phân tích vì sao hay, vì sao đẹp mới chính là cái ông nói như trên.

    Dĩ nhiên người ta không ngây thơ, không hồn nhiên khi đọc. Con đường trực cảm là con đường tiếp cận với cái đẹp, cái hay trong nghệ thuật một cách tự nhiên nhất. Và chính nó cũng là sự kết tinh của vốn văn hóa người thưởng thức. Tri thức xã hội, tri thức nghệ thuật, kinh nghiệm sống, cảm xúc, sự tinh tế... đều được huy động một cách âm thầm để đi đến kết luận đẹp hoặc không đẹp, hay hoặc không hay. Nó hoàn toàn không phải là kiểu ngây thơ hồn nhiên như ông đã nói.

    Lấy 1 ví dụ trực quan để dễ hiểu hơn: Khi nhìn 1 bông hoa, người ta có thể ngay tức khắc đánh giá đẹp hay không đẹp. Đó là điều đầu tiên. Điều đầu tiên không phải là xem cánh hoa sắp xếp thế nào, màu sắc tươi tắn không, đài hoa ra sao, cuống hoa, góc độ, phông nền... rồi mới kết luân đẹp hay không đẹp. Đó là việc sau khi đã qua bước đánh giá đầu tiên: đẹp hay không đẹp để đi đến việc phân tích vì sao đẹp.

    Còn thơ là gì? Nếu thơ là sự thăng hoa của cảm xúc và đồng điệu tâm hồn thì nhạc có phải là thế không? Họa có là thế? Điêu khắc thì sao nhỉ? Có môn nghệ thuật nào không là sự thăng hoa của cảm xúc và đồng điệu tâm hồn (nếu có thể coi là như vậy)?

    Vì sao lại phải mở ngoặc? Vì theo tác giả của định nghĩa, có loại thơ dở. Thơ dở thì sự đồng điệu tâm hồn nằm ở đâu?

    Vài lời lấy gió.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có vài lời lấy gió mà đã như vậy rồi ư? Nặc danh như thế này mới nặc danh chứ, ai như cái bác Nặc Zăng bên nhà Cô Nhỏ cứ cà khịa mấy chỗ âm u không thì coi sao đặng. :))

      Lãnh hiểu cách nhận xét của bạn. Với bạn thì thật ra NHQ mới là người ngây thơ và ảo tưởng khi phủ nhận cách đọc thơ dựa trên trực cảm. :D

      Lãnh thì nghĩ đây chẳng qua cũng chỉ là cách đọc của từng người. Đọc thơ cũng giống như làm thơ là con người ta đã hóa thân vào tác phẩm đó. Nếu đồng cảm càng cao thì mức độ gắn bó càng dính chặt lại. NHQ thật sự lúng túng khi phủ nhận trực cảm vì câu kết của bài này ông ta đã tuyên bố hùng hồn rằng " Đi vào thơ là đi vào thế giới của các trinh nữ. Vĩnh viễn trinh nữ." Nếu vậy không phải trực cảm lấn át hết rồi sao?

      Và bài viết này của NHQ thì Lãnh thấy nó có một ngầm ý khác của tác giả. Nó không đơn thuần chỉ là cách đọc thơ nữa, dường như nó muốn biểu lộ một cách nhận dạng về thơ. Nhưng rất tiếc nó chưa thể hoàn hảo để thuyết phục người khác nhìn nhận là đúng. Xem ra NHQ phải viết tiếp bài khác nữa rồi :))

      Xóa
    2. Lãnh có mà hiểu khối! Lãnh đang đu trên mây với NHQ sao bỗng nhiên lại bảo NHQ viết bài khác thế? Anh em với nhau chơi thế là không đẹp! :))

      Xóa
    3. Tớ theo NHQ mà, không theo thì đăng lên làm gì. Cái chính là tớ đang hỏi chuyện với bạn Nặc Danh này mà. Sao cậu cứ thích đạp chiến sĩ vô lùm thế?
      Thì cứ để cho bạn Nặc Danh nói tiếp vài câu đã nào...cậu cứ làm như chủ nhà sắp đi nước ngoài ko bằng. :))

      Xóa
    4. Ah, tớ chỉ tiện tay đẩy cái bài này lên Top của Thập diện mai phục thôi! :))
      Thế ra cậu không đi hả? Tớ tưởng cậu đi rồi chứ! Ha ha... :)))

      Xóa
    5. Tớ đi dễ dàng thế sao? hừm...Thật ngại là sống lâu quá.

      Cậu cứ vòng vèo lượt trận và mài đao cho bén đi nhá. Đợi tớ ra tay...:))

      Xóa
    6. Muỗi! :)
      Tớ mới chỉ khởi động chút thôi mà cậu đã thở hắt bằng mấy từ Hừm... Hừm... rồi! :))
      Thôi. Cậu ngồi trên cây nghỉ chút đi tớ bay đây. :))

      Xóa
    7. Hừm là sung sướng đó chứ không phải thở hắt như cậu nghĩ đâu :))

      Cậu phải bay thôi, đứng đó không chừng tớ buồn tình ( hôm nay tớ vui) lôi cậu ra múa vài đường thì nguy :))

      Xóa
    8. Múa là sở trường của tớ. Cậu lại nhầm!
      Tớ chả quan tâm cậu vui tình hay buồn tình đâu. Thích thì cứ múa thôi!

      Xóa
    9. "Thú vị" thì thật phải rồi! [img]https://lh4.googleusercontent.com/-JE74gyQoyIU/T8sBsWj7tjI/AAAAAAAAFO4/ttUFP2FFJTs/h120/gat1.gif[/img]

      Xóa
    10. Cái gì cũng nói lái được, Hớ ĐT vừa thôi nhá! :))

      Xóa
    11. Hớ nó không ĐT, chỉ là người khác cứ nghĩ nó ĐT thôi! Thật oan ức cho Lý Thông quá mà :))

      Xóa
    12. Bạn Nặc này chắc bận công vụ chi rồi, vô chém lấy gió vài đường rồi đi đâu mất tiêu...

      Thật ra những chuyện như thế này thì nó chẳng bao giờ mới hay cũ cả. Những cảm nhận xung quanh thơ chẳng thể ai nói rõ ràng được. Nó cũng như khi người ta nói về thế giới vô hình, thứ không thể nắm bắt hay sờ mó nên đành mượn ngôn ngữ để diễn tả. Những thước đo hoặc chuẩn mực nhất định về nó chỉ mang tính tương đối. Có thể là được số đông đồng thuận ( hoặc ngược lại), nhưng những con số xem ra cũng chẳng phải là mực thước nhất định được bởi " chân lý không thuộc về số đông".

      Trong bài này NHQ nói về những sự tương tác khi đọc bài thơ. Cách diễn tả mang phong vị "hàn lâm" một chút. Có nghĩa là phải cần một vốn liếng trí thức lớn để nhận dạng hoặc phân loại. Điều đó chẳng có gì hoàn toàn sai cả. Thậm chí càng tốt. Chẳng qua nó hơi hướng trịch thượng theo kiểu dạy bảo nên hơi khó nghe. Nhưng kiến thức thì vô hạn, chẳng thể nào đánh đồng giữa cá nhân này lên một cá nhân khác.Cái NHQ cảm nhận cũng chỉ là cái cá nhân đơn lẽ (dù rằng trong bài viết này thì NHQ hướng đến cái tham vọng lớn hơn gần giống như một quy tắc ngầm để nhận diện thơ hay)
      Hay nói như bạn Nặc Danh là khi đọc thơ người ta đã âm thầm vận dụng tất cả những kiến thức vốn có của mình để nắm bắt nó rồi, điều đó cho thấy ít nhất bạn Nặc Danh cũng có một vốn kiến thức nhất định cũng đủ tự tin để biết rằng nó hay hoặc chưa hay.

      Nhưng với một người hơi "nghèo nàn" về kiến thức thì sao? Hoặc nếu gặp thơ dở như bạn Nặc Danh kia hỏi thì phải làm sao? Nếu vậy thì có phải tâm hồn hoặc câu thơ chẳng may "cằn cỗi" thì có phải chẳng thể nào bắt gặp được sự đồng điệu? Chẳng ai có thể trả lời dứt khoát được.

      Tất cả những cái này cũng giống như con gà và quả trứng, cái nào trước, cái nào sau là do khái niệm của mỗi người. Khi dây dưa vào thơ là phải chấp hận cái vòng lẩn quẩn đó, muốn kêu gào hoặc la hét cho lớn nhỏ thì tùy thuộc vào âm vực của mỗi người...

      Vậy cho nên chúng ta cứ thỏa mái với những gì đang có đi :))

      Xóa
    13. Cũng không bận gì, nhưng tui thấy có gió đâu :))

      Ở cái cồng này của lanhdien, tui thấy sắp huề cả làng rồi.

      Đính chính 1 chút là tui không thấy ông NHQ nói chuyện khó nghe trịch thượng à nha. Với tui, văn phong này bình thường chớ không có nhăn mặt chau mày chi hết.

      Đồng ý là cái gì liên quan đến cảm xúc thì khó mà có cái khuôn nào cứng nhắc chứa cho đặng. Nhưng không phải vì vậy mà vàng thau lẫn lộn. Ngọc vẫn là ngọc, đá vẫn là đá. Thời gian sẽ thải loại những gì nhạt nhẽo, thừa thãi.

      Ông NHQ viết bài này có nhiều ý hợp với tui và nhiều người đi trước đã viết (nên tui mới nói là không mới, mà thật ra cái này ai ưa đọc và nhạy cảm chút đều như vậy cả). Tui chỉ không đồng ý với ổng về cái kiểu tiếp nhận (tạm gọi là công nghiệp) bài thơ nào là ổng cũng đưa lên máy chém luôn, mổ xẻ các kiểu. Nghệ thuật cần thưởng thức, vậy hãy đón nhận tự nhiên. Trong cái tự nhiên đó, thực ra ý thức đã được lên dây cót sẵn như tui đã nói cồng trên.

      Còn cái "thơ là gì?", tui đi ngang thấy lanhdien nói vậy nghe chung chung quá nên chém tạt chút xíu. Đồng ý là khó nắm bắt, nhưng cũng không phải vì "thâm viễn, tối tăm, đón không thấy đầu, theo không thấy đuôi" đó mà nói thế nào cũng được. Ít ra cũng phải phân biệt được nó với các loại hình nghệ thuật khác chớ. Nói như vầy thì cái nào trở thành nghệ thuật mà chẳng "thăng hoa cảm xúc, đồng điệu tâm hồn". Đó là thuộc tính của nghệ thuật, của quá trình sáng tạo, tiếp nhận nghệ thuật thì đúng hơn, phải hông?

      Xóa
    14. Sao mình thấy giọng văn này giống với 1 người ở TAL quá vậy? :-o

      Xóa
    15. @VC: M tinh mắt thật :))

      Người này như thần long, thấy đầu mà không thấy đuôi, cùng lắm thì thấy khúc giữa thôi :))

      Xóa
    16. @Nặc Danh: Ừa phải! :D

      Còn nói về cái " thơ là gì" thì tuy rằng đã nói " là sự đồng điệu của tâm hồn" cho nó ngắn gọn thôi. Không cần giải thích dài dòng chi cho nó khổ cực. Dĩ nhiên nếu nói vậy nó mang tính chung chung, nhưng người ta cũng phải nhận biết và phân loại nó ra thành một lĩnh vực nghệ thuật khác. Nó phải khác với âm nhạc, hội họa, kịch nghệ, hay điêu khắc...chứ. Làm sao có thể chung chung với nhau được tuy rằng nó nằm gần với nhau trong câu chữ là " sự đồng điệu".

      Nếu nghe âm nhạc thì phải lắng nghe giai điệu, tiếng réo rắc của âm thanh, nếu hội họa phải nhìn vào những màu sắc, điểm nhấn nhá, kịch thì tất nhiên phải là cách diễn xúc rồi...Riêng thơ thì khác, nó bao gồm tất cả những đặc điểm trên bằng việc thể hiện qua câu chữ. Người đọc muốn đồng điệu thì cần phải có " sự tương tác" từ nhiều phía, từ đó cảm xúc thăng hoa để sinh lòng yêu mến những câu chữ kia thế thôi. :D

      Mà ko phải là muốn huề cả làng, nhưng nó là thế mà. Trừ phi muốn cãi cho sướng thì may ra :))

      Xóa
  8. Anh Nguyễn Hưng Quốc ơi, để em kể chuyện đời em cho anh nghe nè! Mỗi tuần có 6 ngày em phải dậy lúc hơn 5 giờ sáng. 6h5phút chở con đi học để kịp đến trước khi trường đóng cổng lúc 6h30. Vậy là em chôn đời em ở cơ quan từ 6h30 đến 17h15 chiều. Đón con xong, về đến nhà gần 18g, quay cuồng với cơm nước, dọn dẹp, tối lại ngồi học bài với con. Hết 1 ngày như thế đó.
    Rồi em kể thêm chuyện nữa nè. Hồi xưa, lúc em chưa đi học Văn, nếu em thích bài thơ nào là em thích direct, kiểu như "không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu... iêu em vì chỉ biết đó là em" vậy đó. Sau khi học 4 năm trường Văn ra, em thích bài thơ nào là em cứ phải thích vòng vèo kiểu: "Một yêu anh có Sen-ko/Hai yêu anh có Pơ-giô cá vàng/Ba yêu nhà cửa đàng hoàng..."

    Kể cho anh nghe 2 chuyện để nói rằng:
    1 là em bận bịu như thế, đọc thơ theo kiểu mà anh chỉ bảo thì chắc không ổn rồi. Nên chăng em thôi, đừng đọc thơ nữa nhỉ?
    2 là đọc theo kiểu direct hay kiểu vòng vèo thì cuối cùng em cũng thích bài thơ ấy. Em đang nghĩ xem kiểu nào hơn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh NHQ đang bận chém gió bên VOA và TV nên chắc không nghe được lời chị OM mình rồi!

      Thôi để em mách nước cho chị nhé. Chị cứ việc đưa rước con theo thời gian biểu của mình và khi nào vào mạng thì tìm đọc thơ của em thôi. Vì thơ em sẽ khiến chị không nhức đầu và phải vòng vèo hay gián tiếp, trực tiếp gì gì đó. Thơ em không phải thơ dở, nó chỉ là thơ chưa hay thôi nên chị rất chi là thỏa mái. ( Nhưng nếu ai chê dở chị chỉ em hén, em sẽ căm thù đến tận xương tủy) :))

      Xóa
    2. Thơ Lãnh hay phải biết :)))

      Xóa
    3. Mấy ngày đt đi vắng, giờ về thấy sp bị bao lằn tên mũi đạn bay tới tấp đến, thiệt là vui phải biết :))

      Xóa
    4. Không sao mà coan, chỉ sợ thơ bay nó đè chết chứ tên bay thì sp né được :))

      Xóa
  9. Tớ đã bảo mà, thế nào cái bài này cũng chui vào Top của Thập diện mai phục. Giờ tớ chỉ cần làm một động tác đẩy nhẹ một phát nữa là nó đứng ở vị trí đầu ngay! Tin hông? Ha ha...

    Trả lờiXóa
  10. Há há, nghe h nhắc đến thần long, ko lẽ người này giống em Điêu Thuyền? :))
    Mà thôi đi h, thay bài khác cái đi. Câu view thế đủ roài! :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người bí hiểm thì chỉ thấy khúc giữa núc nắc thôi mụị ui. Cũng bà con với Điêu Thuyền đó. Tên thật là Điêu Sắc gọi Điêu Thuyền là thím vợ chú 8 ;))

      Xóa

Thập diện mai phục