Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Ikebana - Nghệ thuật khai thác tâm hồn



Lời giới thiệu

[Hình: ikebanaart20.jpg]

Xung quanh chúng ta luôn luôn có những loại cỏ cây hoa lá. Ngay từ thuở xa xưa con người đã biết cách tận dụng nó và biến nó thành một vật trang trí mang nhiều ý nghĩa. Có nhiều cách cảm nhận về các loài hoa khác nhau của từng quốc gia. Nhưng điểm chung vẫn là sự khai thác tối đa ở góc cạnh tâm hồn, nơi của những thứ cảm nhận rất tinh tế và nhạy cảm nhất. Nó như một thứ tôn giáo riêng được hình thành, rất đặc thù và hấp dẫn từ những người yêu thích nó cho đến cả những người chưa hiểu hết về nó vẫn phải trầm trồ thích thú một cách kỳ lạ.

Có lịch sử từ 600 năm trước vào thế kỷ thứ 15. Ikebana là một trong những môn truyền thống của người Nhật để vươn đến cái đẹp của nội tâm con người, nó phảng phất yếu tố tâm linh cũng như mang dáng dấp của một triết thuyết, hay nói cách khác về một quan niệm đó là "sự trống rỗng".

"Sự trống rỗng" mà người Nhật luôn luôn khai thác mang hàm ý là tạo một khoảng không vô tận, nơi mà con người có thể tự do mơ mộng để đưa nghệ thuật sắp đặt hình ảnh lên đến đỉnh điểm của sự thăng hoa.

Rất chú trọng đến việc rèn luyện cơ thể và tâm hồn, cho nên mặc dù mang trong mình dòng máu của Võ Sĩ Đạo, người Nhật vẫn không quên làm giàu nội tâm mình bằng các hình thức rèn luyện các loại hình nghệ thuật khác để tìm thấy sự bình lặng và thanh thản trong những tâm hồn thuần khiết.

Cũng giống như khi cách rèn luyện chữ viết để giúp chúng ta giải phóng được chính mình. Thì nghệ thuật cắm hoa Ikebana đã góp phần cho chúng ta tự giải phóng chúng ta để trở về với lòng kiên nhẫn và sự tĩnh lặng mênh mông.

Ikebana theo tiếng Nhật có nghĩa là "hoa sống". Là một hình thức tái tạo nghệ thuật từ thiên nhiên, cách sắp xếp cũng như vận dụng mọi cỏ cây hoa lá cho đến màu sắc riêng biệt của từng nhóm khác nhau để hình thành nên một ý nghĩa riêng biệt. Những loài hoa hay màu sắc của nó được cắt tỉa một cách uyển chuyển, sống động hay như diễn tả một cách trầm lắng, sâu xa...Tất cả đều là một thứ tình cảm mà con người mong muốn được sẻ chia qua cách trình bày của mình.

Người Phương Đông trong cuộc sống phần lớn đều nghiêng về phía nội tâm, nên khi mở cánh cửa thế giới mới thường hay có thiên hướng đến sự khiêm nhường, trầm tư...Điều này cũng gọi là nét khác biệt giữa Đông và Tây. Đa phần những bình hoa của người phương Tây đều hướng đến sự lộng lẫy và rực rỡ do đó mất đi sự kiên nhẫn vốn cần thiết của sự tĩnh lặng. Sự nóng vội không bao giờ dành cho những người đến với môn nghệ thuật Ikebana. Một người theo đuổi Ibakana giống như một người nghệ sĩ thật thụ, lúc nào cũng phải miệt mài tìm kiếm, học hỏi và hơn hết là luôn luôn sáng tạo, vận dụng tất cả các giác quan của mình để cảm nhận tinh tế và lắng đọng hơn. Cũng giống như các nhà thơ khi đi tìm những ngôn ngữ cho riêng mình, câu chữ là câu chữ chung, hoa cỏ là hoa cỏ chung, cách cảm thụ để mà dàn trải ra đều đến từ sự chắt lọc, kinh nghiệm và tài nghệ của mỗi cá nhân. Làm thế nào để đưa tác phẩm của mình đi đến một kết quả như mong muốn thì ngoài thiên tài ra còn lại đều là sự nổ lực và học hỏi không ngừng. Vì thế ở Nhật Bản người ta phải bỏ ra 12 đến 15 năm mới có thể làm chủ được nền nghệ thuật Ikebana, các người thầy giảng dạy bộ môn này đều có thâm niên từ 30 đến 40 năm trong nghề. Vì quá nóng lòng để nắm bắt nghệ thuật Ikebana là điều thật sự không nên có.

Khi bắt đầu nắm bắt nghệ thuật Ikebana, chúng ta phải biết đến nguyên tắc cấu tạo. Nhưng trước hết phải nắm rõ về các loài thực vật, sự sinh trưởng của nó theo từng mùa. Phải nắm bắt sự đi và đến của từng mùa trong thiên nhiên hoặc những thời khắc chuyển giao của nó mới thấy được hết nét phong phú và độc đáo.

Để làm một cành cây hoặc một bông hoa sống động hơn cũng là cách để làm cho nó có sức sống hơn bao giờ hết. Đó là thành công của một người nghệ sĩ khi tìm được thấy một thứ ánh sáng đến từ thiên nhiên và là một phần thưởng cho riêng mình về cách cảm thụ tinh tế nhất. Bởi lẽ mỗi bông hoa là một vẻ đẹp hiền dịu nhất chúng ta nên mở cánh cửa tâm hồn để cảm nhận cái mong manh và yếu ớt trong từng loại hoa để tái tạo lại nó một sức sống mới theo cảm quan của mình.

Trong nghệ thuật cắm hoa Ikebana. Phương pháp cắm truyền thống và căn bản nhất được bắt buộc theo qui tắc Thiên, Địa , Nhân. Đây là quy tắc chung của nghệ thuật cắm hoa Phương Đông. Những ai từng "nhập môn" cắm hoa nghệ thuật đều trải qua bài học vỡ lòng này. Một công thức căn bản nhất của nghệ thuật cắm hoa, nó rất đơn giản chỉ là một bộ khung để người ta xắp xếp theo một cách có trình tự.

Thiên: được tượng trưng cho Trời (gọi là cành chính thứ nhất). Đây là cành đầu tiên để bắt đầu một cách cắm, nó có thể xoay ở mọi góc cạnh và mọi tư thế khác nhau tùy theo cách thể hiện của người muốn gởi gắm đến với mỗi tác phẩm.

Nhân: được tượng trưng con người (gọi là cành chính thứ 2). Nó có chiều dài bằng 1/2 của Thiên và có thiên hướng nghiên về Thiên. Tức là chủ ý muốn hướng thiên để phô diễn cái ý mình muốn thể hiện.

Địa: được tượng trưng cho Đất (gọi là cành chính thứ 3). Nó có chiều dài bằng 1/2 của Nhân và là có hơi hướng đối nghịch với hai cành kia. Lộ rõ ý đồ làm nền móng cho Thiên và Nhân bức phá.

Nhìn chung là khi xây dựng Thiên, Địa, Nhân là phải dựa trên bố cục tam giác nhằm mục đích khái thác và hình thành một nguyên tắc chung để dễ dàng thực hiện các bước tiếp theo.

Thiên, Địa, Nhân chính là Trời, Đất và con người. Tất cả đều nằm trong cái vũ trụ đó. Gọi là nó bao la thì cũng được, nhưng nếu nói gần gũi thì cũng chẳng sao cả. Có chăng là do cách cảm nhận của mỗi cá nhân. Phải chăng là từ cái qui tắc đơn giản kia, nên Ikebana khi nói đến "sự trống rỗng" là hướng chúng ta đến thế giới đó? Thế giới bao la của sự cảm thụ và khai thác nội tâm.
Nhưng có một sự thật là phần lớn những người "nhập môn" trong lĩnh vực này thường bỏ qua chi tiết sơ đẳng đó. Trên hết là ở họ không cảm thụ hết tầm quan trọng của 3 chữ Thiên, Địạ, Nhân. Chắc bởi họ cho rằng công thức đó nó quá đơn giản, đa phần người học cắm hoa thường chú ý đến những thứ mang tính chất hình thức hoặc cảm nhận ý nghĩa của một tác phẩm một cách hời hợt mà không chịu chiêm nghiệm. Thích thưởng thức hơn là tìm tòi, không đào sâu cái căn nguyên bên trong mà chỉ quan trọng đến các chi tiết lòe loẹt hay vẻ hào nhoáng bên ngoài. Những yếu tố trên khiến người ta mất dần cái căn bản ban đầu, nên đâm ra lúng túng trong cách xây dựng. Điều đó cho thấy ở họ chỉ là những người đi sao chép ý tưởng hoặc những "cái máy cắm hoa" chứ không phải là một người nghệ sĩ thực thụ.

Trong Ikebana thường nhấn mạnh 3 yếu tố đó là: Quá khứ, Hiện tại, Tương lai. 3 yếu tố này chính là thời gian để cảm nhận sự tăng trưởng của từng bông hoa.

Khi nói đến Quá khứ thì bắt buộc người ta phải sử dụng những bông hoa đã nở rộ đến giai đoạn sắp tàn, và những cành cây khô hoặc các loại trái khô để diễn đạt nhằm mục đích tạo ra sự già nua hay một điều gì đã rơi vào quên lãng.

Khi nói đến Hiện tại thì phải dùng các loại hoa đương nở vẫn còn sự sung mãn về xuân sắc hay như các lá cây hoàn hảo không tì vết để diễn đạt cái đang diễn ra trước mắt như là sự thanh tân, tươi trẻ.

Và khi nói đến Tương lai là phải dùng các loại cành tươi mới chớm trổ, hoặc những nụ hoa đang còn e ấp để dẫn đến một sự ấp ủ, chờ đợi sắp sửa được diễn ra.

Ngoài ra yếu tố 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn không kém phần quan trọng trong việc bài trí một tác phẩm cắm hoa. Có thể hiểu theo cách sau:
Mùa Xuân: Sắp xếp theo dạng đường cong tạo ra sự uyển chuyển để biểu lộ một cách rõ nét về sức sống cũng như sinh lực tiềm ẩn của nó
Mùa Hạ: Bài trí rộng ra, có sức lan tỏa và tràn đầy đa phần dành cho gom màu nóng
Mùa Thu: Bố trí sao cho thưa lại và mỏng manh phù hợp với nét hoài cổ và man mác vốn có của nó
Mùa Đông: Phải có nét trầm mặc và yên tỉnh bố trí theo kiểu lắng đọng.

Và cũng cần phải có khái niệm chung về màu sắc để dễ dàng nhận biết. Thông thường người ta chia làm hai gam màu đó là Nóng và Lạnh.

Màu Nóng bao gồm các màu: Đỏ, vàng, cam
Màu Lạnh gồm có: Trắng, xanh, tím
Riêng màu hồng có thể được coi là màu trung lập

Các màu sắc cũng có một ý nghĩa riêng biệt và phong phú. Người thường quan niệm như sau: Trắng thanh cao, đỏ nhiệt huyết, xanh hy vọng, đen huyền bí, tím thủy chung, vàng rực rỡ hay hồng lãng mạn...Những yếu tố trên cũng như ý nghĩa của từng loài hoa chỉ mang giá trị tương đối, nó chỉ góp phần phong phú và đa tầng trong nghệ thuật cắm hoa.

Cho nên khi nắm bắt được những điều này, không cần phải là người thực hiện những tác phẩm cắm hoa. Đứng ở góc độ một người thưởng thức đơn thuần. Người ta vẫn có thể dễ dàng hình dung cho mình một cảm nhận sâu sắc hơn mang tính chất đồng cảm hơn từ các tác phẩm. Cũng giống như khi ta đọc và bắt đầu thích thú với một bài thơ, có thể giữa người đọc và tác giả có cách cảm thụ một cách khác nhau. Nhưng trên hết là sự cảm nhận và cùng nhau giải phóng cảm xúc thì ít ra nghệ thuật cắm hoa đã phần nào hoàn thành sứ mệnh của nó đó chính là việc khơi gợi và mở ra một thế giới khác từ phía tâm hồn người thưởng lãm.

[Hình: ikebana12.jpg]

Trên đây là những lời mở đầu cho nghệ thuật Ikebana, chúng ta sẽ khám phá và tìm hiểu nó từ từ trong những phần kế tiếp.

5 nhận xét:

  1. Tuyệt vời! Đọc văn bản ta hiểu được về chiều sâu nội tậm của người nghệ si cắm hoa. Lần đầu tiên chị tiếp cận với loại hình nghệ thuật này đó. Thích cắm tự nhiên thôi. K hiểu lắm về những triết lí mang chiều sâu này. Thích mấy cái bình hoa này quá!Chị rất thích văn hóa Nhật. Tình thần võ sĩ, cái thiền, những lễ hội hoa anh đào và đặc biệt là nghệ thuật trà đạo. Thơ Hai ku...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua đây em truyền nghề cho chị. Học phí ko cao lắm đâu :))

      Xóa
    2. OK! em post bài kèm theo ảnh nha. Chị tiếp thu nhanh lắm. Học phí k là vẫn đề đúng k?

      Xóa
    3. Vâng! học phí chỉ là cái nhỏ nhỏ thôi. Đủ nuôi em và thêm vài người nữa...:))

      Chị sợ chưa?

      Xóa

Thập diện mai phục