"Tôi đến xứ sở này để làm gì khi ngoài kia sắp sửa mưa vùng gió vội? Tất cả đều từ một địa danh Phương Bối và từ một con người đến với nhiều lời đồn đại thành một huyền thoại Sơn Núi giữa núi rừng B,lao..."
N h ậ t k ý B,lao
Tôi ghé thăm B,lao vào một chiều thưa nắng. Và có lẽ đó là giây phút hiếm hoi nhất mà tôi bắt gặp được chút ít phảng phất của nắng chiều của xứ sở cao nguyên này, để rồi từ chiều hôm đó cho đến hôm sắp sửa lên đường trở về tôi mới gặp thêm một vài giây nữa...Thời gian tôi ở B,lao không lâu, chỉ vỏn vẹn hai đêm hai ngày. Nhưng nó có cả một dư vị không thể nào quên nếu không muốn nói rất là đáng nhớ. Nó đầy đủ cảm xúc của một cuộc hội ngộ, một sự bất ngờ, một sự rung động nội tâm vừa đủ để sâu lắng và một cuộc chia tay khá luyến tiếc, bùi ngùi...
Tôi đến xứ sở này để làm gì khi ngoài kia sắp sửa mưa vùng gió vội? Tất cả đều từ một địa danh Phương Bối và từ một con người đến với nhiều lời đồn đại thành một huyền thoại Sơn Núi giữa núi rừng B,lao.
Từ quốc lộ 20 theo hướng Sài gòn lên vượt qua cầu Đại Lào. Tôi dừng chân và bước xuống xe đò với một tâm trạng phấn khởi và hào hứng. Chuẩn bị cho mình một cuộc hội ngộ không dự kiến và định sẵn điều gì, chỉ với cảm giác tò mò và thích khám phá. Bấy nhiêu đó đủ để tôi gói ghém và cất giữ như là một thứ hành trang cho riêng mình trên bước đường du ngoạn. Mọi thứ nơi này với tôi đều lạ lẫm, tôi cứ từng bước, từng bước chân thầm lặng của mình để thăm dò và cảm nhận
Từng cái lắc đầu khi hỏi về Phương Bối thoạt đầu tiên không khiến người ta có cảm giác hụt hẫng. Cho đến khi tôi dừng chân ở nhà trọ số 1. Mọi chuyện bắt đầu suôn sẻ hẳn lên...
Lên tầng hai của ngôi nhà nghỉ, căn phòng tôi thuê có cánh cửa chính nhìn về dãy núi phía tây thì phải ( tôi mơ hồ nhận định như thế) nơi có từng dãy đồi thi nhau chen lấn và chạy dài đến chân núi. Mây buổi chiều bàng bạc và xám, lúc này tôi chỉ cảm nhận phía trước mặt mình là một màu xanh của cây đã thẫm lại và chạy xa đến tít tắp.
Đưa mắt nhìn về phía đồi xanh xa xa kia. Phải chăng nơi đó là Phương Bối? Sự khẳng định của chủ nhà rằng nơi đó chính là nơi ở của lão "dị nhân" Sơn Núi khiến tôi bất giác mỉm cười. Ít ra sự phán đoán của tôi đã có phần chính xác. Tự thưởng cho mình bằng những dòng nước mát lạnh của xứ sở B,lao sau một chặng đường khá xa, tôi bắt đầu thấy sảng khoái thêm. Khóa cánh cửa phòng xong tôi vội xuống dưới đường lộ. Nơi đó, bác xe ôm chuyên chở "dị nhân" Sơn Núi được bà chủ nhà trọ kêu giùm đang ngồi đợi . Sau cái gật đầu và vài lời trao đổi xã giao, chúng tôi vội tiến thẳng đến Phương Bối đang cách đó khoảng chừng 3km.
1 - Phương Bối Am
Chiếc xe máy vừa leo lên một con dốc cao, trước mặt tôi là một rừng thông bạt ngàn bên tay trái, những cây thông xanh đang lắc lư trong gió chiều. Chúng chào đón người khách lạ mới đến hay là đang hò reo vì sắp được mẹ thiên nhiên tắm rửa? Chẳng cần biết chúng làm gì, nhưng cái khung cảnh đó khiến tôi có cảm giác bàng bạc và chùng chình. Những đám mây đen kéo ngang qua như báo hiệu một trận mưa lớn sắp về. Bất chợt tôi nhớ câu thơ của lão dị nhân Sơn Núi:
Rừng thông Sơn Núi |
nhịp vang theo nhịp như xưa lắm rồi"
Tôi mường tượng được phần nào của giây phút đổi thay đó, nó giống như một cảnh tượng hỏi han hay vỗ về an ủi gì đó, những cành thông như những cánh tay níu với nhau, thân cây khẽ lắc lư, chúng cứ thế mà múa may trước gió, bởi chúng vốn chỉ biết đón nhận những đổi thay của thời tiết như một lẽ tự nhiên đi và đến...
Thảm cỏ xanh mượt, mọc thoai thoải theo quả đồi nhỏ, vài cụm hoa dại lẻ loi, vài tàn cây lâu năm như một nhà hiền triết đang chiêm nghiệm thăng trầm dâu bể. Phương Bối Am chỉ còn lại dấu tích như vậy, đồi Thượng đã chìm sâu vào trong từng gốc cây ngọn cỏ, tất cả đã là quá vãng...Tôi không hề thất vọng hoặc ngạc nhiên vì sự thay đổi này, bởi tôi cũng đã mường tượng được phần nào của Phương Bối. Phương Bối Am đã "trở về cát bụi" từ thuở nào rồi, cũng ngót nghét gần tròn 40 năm, chiến tranh đã cuốn phăng đi mọi thứ, cái còn sót lại ngày hôm nay có chăng là những vùng đồi xanh cỏ hoặc giả con suối khô đã nước từ lâu, đó là những gì sót lại từ hoài niệm xa xôi... Và hôm nay Phương Bối đã hóa thân rồi, Phương Bối với gia đình Nguyễn Đức Sơn là một, như là máu thịt thiêng liêng...
Dấu tích Đồi Thượng ( hình chụp buổi sáng) |
Băng qua đồi Thượng mới đến được ngôi nhà mới của lão dị nhân Sơn Núi, ngôi nhà cũ ngày trước của lão nằm ở Đồi Thượng. Căn nhà gỗ khi xưa vốn là một ngôi nhà sàn để tránh thú dữ thời đó, sau này lão đến ở và sửa lại thành một ngôi nhà nhỏ nằm trên đồi. Nơi ấy bây giờ là nơi ở của cô Phượng và hai người con gái út Yên và Phương Bối... Từ bên dưới đi lên, ngôi nhà đó có lối đi rất đẹp, hai hàng thông già mọc đều răm rắp và thẳng tắp, vút cao, kiêu bạc...
Lối lên của ngôi nhà gỗ từ bên dưới triền đồi |
2 - Cuộc gặp không hẹn trước và tên gọi "cái mặt"
Ngôi nhà của lão "dị nhân" |
Tôi có tổng cộng 3 lần ghé thăm lão Sơn Núi. Cả 3 lần đều là những cảm xúc thú vị khác nhau và tôi sẽ lần lượt kể từ từ những cảm xúc đó...
Đây là lần đầu tiên tôi gặp lão, có những thoáng bỡ ngỡ trong xúc cảm. Trước mặt tôi là ông già 70, người thâm thấp, dáng đi chậm rãi. Tôi vội chào ông và giới thiệu mình là một người khách phương xa, chỉ biết ông qua phương tiện thông tin đại chúng. Ông bật cười khề khà và nói thật chậm " Ở xa đến chơi...nha...nha...có lận dao hay lựu đạn trong người không?" Tôi bật cười vì sự dí dỏm của lão và cũng một phần khá bất ngờ kia nên cứ thế cười ha hả. Cô Phượng nhìn tôi cười rồi lặng lẽ vô nhà sau rồi mất hút trước khi kịp nhận lại tôi cái gật đầu và câu chào đáp lễ. Lão dắt tôi xuống dưới, nơi có cái hành lang giữa hai ngôi nhà. Ở đó có một cái bếp củi dùng để nấu nước tắm thì phải, vài thanh củi khô để kế bên, ngoài ra có một chiếc chiếu cói được cuộn lại bên góc. Lão nhặt lấy chiếc chiếu trải ra để mời tôi ngồi chơi, tôi cũng phụ lão trải chiếu và lão căn dặn rằng chỉ trải nửa chiếc thôi. Tôi cũng thật sự tò mò không biết vì sao, nhưng không dám hỏi và chỉ thầm nhủ " chắc vậy mới dị nhân".
Lúc này bác xe ôm đã về lại nhà. Bác ấy chỉ quay lại đón tôi khi nào tôi muốn về. Tôi xin số điện thoại của bác xe ôm cho tiện liên lạc, thì lão "dị nhân" Sơn Núi đã vội đọc cho tôi nghe. Và càng bất ngờ hơn là được biết lão có thể nhớ đến 50 số điện thoại của những người thân quen. lão xài điện thoại không hề lưu tên, chỉ bấm và gọi khi nào cần thiết. Một trí nhớ thuộc hàng "siêu đẳng"...
Tháo bỏ đôi giày ra tôi ngồi xuống cạnh lão, lão chăm chú nhìn tôi và cũng cái giọng chậm rãi đó rồi nói " Mi mang giày chi vậy, không nghe thấy nó kêu lộp cộp, điếc tai sao?" Tôi bật cười nói rằng " là do không biết nơi này như thế nào? Tôi chưa lần nào đến, cứ nghĩ đồi núi khó đi nên mang giày cho tiện". Lão mới nói rằng nơi đây có một vài người giày da bóng lộn thuộc "giai cấp bảo vệ" bị lão chửi hoài. Nhìn giày bóng loáng vậy chứ đầu óc xù xì lắm...ha ha...Thật đỡ không nổi tình huống này mà.
Lão bắt đầu kể chuyện, những chuyện thời sự gần đây. Lão nói về Phật giáo và những chuyện tha hóa của nó cũng như con người đang sa lầy trong đó. Cứ phải ôm lấy tượng Phật thờ phụng mà chẳng hiểu hết những
vi diệu từ bên trong...Lão kể có lần lão đến một ngôi chùa và ăn cơm ở đó. Một lát sau vị trụ trì nọ đi xuống thấy lão đang ngồi ăn cơm, vị trụ trì đó có ý trách lão sao "ăn cơm trước kẻng" (ý nói chưa cúng Phật đã vội ăn trước). Lão mới bình thản nói " Tôi tưởng ông xưa nay chỉ nuôi tăng ni trong chùa, hôm nay mới biết thêm ông nuôi cả Phật)...Khà khà...Lão cười khoái chí. Tôi cũng cười theo vì thấy cũng thú vị. Bất ngờ lão quay sang tôi nói " Ta thấy mi giống cái mặt quá, mà mi có biết cái mặt không?". Tôi nói - Tôi có biết! rồi lắc đầu cười. Lão nói "cái mặt" hay lắm, thằng Ô ba ma cũng cái mặt, thằng ăn xin cũng cái mặt, mà "cái mặt" nào chẳng giống "cái mặt" nào. Xong rồi lão nói đến chính chị chính em, nào là như thế này, nào là phải thế kia, thế nọ...vân vân...Lão nói " Nếu thế giới mà không có lò mổ và chế tạo vũ khí thì tốt biết mấy" . Tôi im lặng nghe lão nói và lão tự giải thích theo kiểu nửa vời của lão. Trong lão không bao giờ nói trọn vẹn một điều gì, chỉ lấp lửng để đó. Nếu có hỏi thì lão cũng chẳng giải thích thêm, cứ để lơ lửng vậy cho mọi người suy nghĩ.
Cuộc trò chuyện của tôi và lão càng về sau càng cởi mở hơn, tôi cũng đã hết ngượng ngập vì lão dễ chịu hơn tôi tưởng. Thỉnh thoảng lão hay chửi tôi ngu và rồi lão thắc mắc rằng tại sao không cãi lại lão. " Quảng Nam hay cãi mà sao mi không cãi?". Tôi trả lời rằng " Tôi từ Sài gòn xuống đây để cãi với lão sao?" Sao phải bôn ba thế, tôi chỉ muốn xuống thăm lão và ngồi nghe lão trò chuyện. lão không tin và cho rằng tôi còn cái gì đó hơi mờ ám thì phải...ha ha.
Trò chuyện một lúc tôi quay sang chụp hình lão, chụp lén thôi nhưng bị lão phát hiện và làm như thế này đây
Lão "dị nhân" Sơn Núi |
Lúc này trời chuyển mưa lớn, những cơn gió mang hơi lạnh từ những cơn mưa của núi rừng tạt vô nơi chúng tôi ngồi lạnh tê tái. Đành phải di cư thôi! cuốn chiếc chiếu lại và nói lời tạm biệt với nó, tôi và lão chuồn vô nhà sau. Lúc này tôi mới được nhấm nháp vị trà của B,lao dưới một cơn mưa chiều. Cảm giác thật ấm áp, thú vị. Rít thêm một hơi dài thuốc lá nữa cho nó thêm phần sảng khoái, tôi nghe lão càu nhàu rằng tại sao phải hút thuốc, có biết rằng thuốc lá nó giảm trí nhớ đến mức nào không? Lão ghét tôi hút thuốc lá lắm, từ lúc gặp mặt lão cho đến lúc tôi về lại Sài Gòn thỉnh thoảng lão hay chửi tôi về vụ đó.
Lúc này trời đã tối lại và tôi gọi bác xe ôm đến rước. Mưa càng lúc càng to, trong nhà lúc này ngoài tôi với lão thì có cô bé tên Huyền ở Bình Phước. Huyền là bạn của con lão, ghé xuống thăm thì phải. sở dĩ tôi biết vì nghe lão hỏi thăm cô bé đó, không biết cô bé đó xuống bao giờ nhưng theo cách hỏi chuyện thì tôi đoán hôm nay lão mới hỏi thăm và trò chuyện cùng cô bé. lão hỏi cô bé về gia đình, bố mẹ...Nhưng cũng có điều mắc cười là có đoạn lão nói với cô bé rằng " ba mẹ ở nhà có cất lựu đạn không?". Tôi thật sự không biết vì sao lão hay nhắc đến lựu đạn và chiếc còng số 8. Nhưng cứ trong một cuộc trò chuyện là lão hay nói đến nó một vài lần. Chiếc còng thì ngay từ lúc tôi gặp lão đã hỏi tôi rằng có mang theo chiếc còng nào không? Riêng lão thì lão báo cho tin mừng là lão đã chế tạo thành công chiếc còng số tám rưỡi. Lúc đó tôi nói tôi chế được chiếc còng số chín...ha..ha..Lão nghe nói vậy vội phì cười và nói " Vậy thì giỏi rồi đó...nha...nha..."
Bác xe ôm đến rất nhanh và buộc tôi phải đứng lên ra về trong tiếc nuối vì cuộc trò chuyện đang lên cao trào. Thôi đành chịu tiếc vậy, hẹn ở buổi sáng mai. Tôi vội vàng chào lão ra về trong tiếng thúc giục của bác xe ôm ngoài kia, dường như tôi có nghe lão nói gì đó tiếng được tiếng mất át trong mưa gió...có cái gì...nha... nha...
(còn tiếp)
Tem cí đã. Đọc một hơi. Đã xiệt. :D
Trả lờiXóaĐệ thì viết cong lưng còn tỷ thì chỉ đọc một hơi? Thật là tàn nhẫn vô nhân đạo :((
XóaThơ rằng:
XóaĐệ thì ngồi viết chổng mông
Tỷ thì ngồi đọc một vòng...hết trơn
Thói đời quả thật bất nhơn
Đọc- còm chút xíu thật hơn...hỏng còm
Thói đời đọc phải một hơi
XóaĐã xiệt...là đã quá trời mới tem
Thằng viết thì hỏi ...thiệt hem?
Tui còng lưng viết bà lem lẻm cười :))
Đệ tui viết mỏi lưng rồi
XóaBút đà cong vẹo, mực thời cũng khô
Làm thân tỷ, phải giả vờ
Khen đệ tui tiếng, pờ rồ đệ tui... thui à nhen... chứ đọc đâu mà đọc, đã đâu mà đã, Hớ kia đừng có mà tưởng bở :))
Du hí, sướng hỉ
Trả lờiXóaBắt chước lão Cá thôi! Lão thì chọn Hồ Tây để nuôi hồ ly, còn Lãnh thì lên núi nuôi dê cho nó máu đấy mà :)).
XóaBao giờ du Nam thế hở? :D
70 mà răng còn tốt nhỉ! :D
Trả lờiXóaNghe nói ăn mía còn được mờ :))
XóaThấy rồi đó - cái se se lạnh của B'Lao và chút gì đó rất hấp dẫn trong câu chuyện. Chờ tiếp đây! :-?
Trả lờiXóaRa tiếp rồi đó chị, trên đó dạo này mưa nhiều hơn nắng nên không tìm được bức hình nào ra hồn cả. :(
Xóa