Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Nhật ký B,lao ( phần 3)




N h ậ t  k ý  B,lao
"" cao dong dỏng, đầy nhựa sống, mắt mày đen nhánh, mái tóc thậm thượt chảy xuống hết lưng mà vẫn còn lăm le nhảy tràn lên trán. Ánh mắt tưởng chừng như một hư chiêu, vừa phóng tới là chạy lệch làm nhột tai người đối diện, nụ cười như vừa mới tập đầu hôm."


5 - Người đàn bà trên đồi Phương Bối

Tôi sẽ cắt ngang một đoạn để nói về người đàn bà này. Với tôi cô là một cái gì đó khó mà diễn tả hết, dường như khi bắt đầu biết về Nguyễn Đức Sơn là tôi đã lưu lại cho riêng mình những cảm xúc về cô rồi. Tôi đóng khung lại và cất nó ở một ngăn khác. Một ngăn chẳng dính dáng đến văn chương hay bất kỳ một điều gì khác, nó chỉ đơn thuần xuất phát từ sự cảm nhận cá nhân, mà có lẽ là từ sự trân trọng và quí mến thật sự của tôi trước một mảnh đời.

Bất kỳ bài viết nào khi viết về lão đều ít nhiều dính dáng đến người đàn bà này. Có người gọi là "Người đàn bà trên đồi cỏ",có người nói cô là "vĩ đại", có người tả về cô rất đẹp thuở thiếu thời...vân vân... Tôi đọc những đoạn đó một cách say sưa và giữ riêng cho mình. Thật sự thì tôi không thể tin hết những điều người ta nói. Phải hiểu rằng tôi từ lúc đó cho đến bây giờ vẫn không hoài nghi về sắc đẹp của cô. Bạn có thể nhận ra tôi gọi "người đàn bà" này là cô Phượng. Tôi xưng hô là cô bởi vì trong tôi không có khái niệm cô đã già, hoặc đã tàn phai. Tôi muốn cô mãi mãi như thế, vẫn đẹp như thuở nào, đẹp đến nao lòng cho dù ngoài kia bánh xe thời gian đang luân chuyển, vòng đời đang tàn phá một cách không thương xót lên đôi vai gầy guộc. Những bão giông, tê điếng của cuộc đời cứ thản nhiên nhấn chìm, thế sao mà đối với tôi cô như có một vầng hào quang lấp lánh đang bao bọc lại.

Tôi nhớ có lần, lúc đó tôi chưa tiếp xúc và chạm mặt cô. Lúc đó tôi đang đọc bài viết của một người nào đó viết về cô. Trong đó có đoạn tả về đôi mắt cô, họ nói đôi mắt không còn như ngày xưa nữa, đôi mắt ấy bây giờ như u uất, vô hồn...Đại loại là như thế, tôi chẳng muốn tìm lại và trích dẫn làm gì vì tôi không tin đó là sự thật, hoặc đó chỉ là cảm nhận của những cảm nhận dành cho cô. Họ cũng như tôi có những cách diễn tả hoặc cảm xúc khác nhau khi nói về điều đó. Nhưng lúc đó bất chợt tôi có cảm giác căm phẫn và uất ức. Bởi trong tôi cô phải là giống như lời kể của nhà văn Bửu Ý  " cao dong dỏng, đầy nhựa sống, mắt mày đen nhánh, mái tóc thậm thượt chảy xuống hết lưng mà vẫn còn lăm le nhảy tràn lên trán. Ánh mắt tưởng chừng như một hư chiêu, vừa phóng tới là chạy lệch làm nhột tai người đối diện, nụ cười như vừa mới tập đầu hôm."
Có một thứ gì đó bất chợt trào lên ngay cuống họng, nghèn nghẹn mà không sao thốt lên được. Tàn nhẫn quá, đau xót quá!! Thời gian hay con người đã hủy hoại cái vẻ đẹp kia? Có thể mọi người phì cười rằng là tôi đã quá căng thẳng, hay có một thái độ gì đó hơi thái quá...Không hẳn các bạn đã vô lý. Nhưng nếu chịu nghe tôi diễn giải các cảm xúc của tôi thì các bạn sẽ hiểu được phần nào của vấn đề...

Cô mang trong mình hai dòng Pháp - Việt và lớn lên trong một ngôi chùa. Rồi bắt đầu trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp  theo cái kiểu " Em hiền như ma - sơ ". Cho đến khi trở thành vợ của lão Nguyễn Đức Sơn trong một lễ cưới mà sính lễ được chuẩn bị lúc bấy giờ là một tập thơ "Đêm Nguyệt Động"... Trong thâm tâm tôi thật sự ngưỡng mộ và cảm thấy lãng mạn bậc nhất. Tôi thầm nghĩ rằng lúc đó ắt hẳn lão sung sướng lắm. Vừa có người vợ đẹp, vừa có được những đứa con tinh thần của mình chào đời. Quà là đấy, tình là đấy! Nó cứ như giấc mơ, cứ triền miên bay bổng, du dương và mặc sức tận hưởng. Lão vốn nổi tiếng kỳ dị và quái đản. Thế nên khi một người con gái nào chọn lựa lão để làm người "nâng khăn sửa túi" phải chăng có sự rung động sâu xa trong tận tâm hồn? Tôi chẳng hoài nghi về điều đó, bởi thời gian đã xác tín rồi.

Chẳng biết mọi người nghĩ sao, nhưng riêng tôi thì luôn có một khái niệm rằng: Những người vợ của nhà thơ thường phải chịu nhiều tổn thương và khổ cực". Ngoài những thiên chức làm vợ, làm mẹ ra họ còn có bổn phận gồng gánh cả một gia đình. Mấy ai làm thơ mà nuôi sống bản thân? Mấy ai viết lách để trở thành giàu có? Ngoài ra về mặt tư tưởng, tinh thần cũng phải chịu những sức ép, đối chọi khốc liệt...Một khi thơ ca là để hiến dâng cái đẹp thì sự tranh đấu lúc nào cũng xảy ra thường trực trong đầu của "đức lang quân". Nếu chẳng may thất bại hoặc vấp ngã, thì hậu quả kia sẽ dành riêng cho người 'nội tướng" bên cạnh mình gánh chịu.

Gần suốt 40 năm lăn lộn trên những ngọn đồi này, cô đã có những gì cho riêng mình? Tài sản là những đứa con, là tình yêu thương của lão và một màu xanh của rừng thông bạt ngàn...hay là sự nếm trải  cơ hàn trong suốt một quãng đời của mình? Từ lúc tôi bắt gặp cái dáng mảnh mai kia từ căn nhà gỗ trên đồi đi xuống cho đến lúc đối diện và trò chuyện cùng cô, ở trong tôi lúc nào cũng có sự thương cảm và kính phục sâu sắc. Đôi mắt tôi gặp lúc này rất dịu hiền, đôi mắt như có cảm giác đang nhìn xuống và ban ơn. Một ánh nhìn ẩn chứa đầy tính vị tha, nó rất lặng lẽ và nhanh chóng tản ra nếu ai đó chạm phải, giống như là muốn che dấu sự khổ hạnh của mình...Hay là từ những vết chân chim, những nếp nhăn dày khít trên gương mặt xinh tươi ngày nào, khiến cho những người thân quen ngày trước khi bất chợt nhìn thấy có cảm giác u sầu chất chứa, hoặc giả thương cảm mà thấy trở nên chua xót? Bởi ánh mắt đó rất hiếm hoi xuất hiện, nó như lẩn tránh mọi cái nhìn soi mói của người đối diện, nó chỉ ngước lên và cụp xuống rất nhanh, như vừa thảng thốt, vừa sợ hãi, như van xin đừng hỏi thêm điều gì, đừng nói nữa...Nhưng cho dù là bất kể điều gì tôi vẫn thấy nó long lanh. Nếu lỡ như nó vô tình đánh rơi một giọt nước mắt thì giọt nước mắt ấy nó đẹp hơn cả ánh pha lê. Vì trong đó nó mang đầy đủ dư vị của cuộc sống, đầy đủ thăng trầm, mất mát, đau thương và cả ngọt ngào hạnh phúc trong từng khoảnh khắc mà cô nếm trải.

Nếu như lão hiến dâng cho thơ ca bằng cuộc đời, thì đối với gia đình của mình cô cũng giống như vậy thôi. Tôi không muốn so sánh, vì mỗi cái có giá trị  riêng. Nhưng một khi hiến dâng tất cả đều là sứ mệnh cao cả và cùng thiêng liêng như nhau. Sẽ có rất nhiều những mảnh đời khác nhau, những người mẹ, người vợ khác nhau...Họ cũng tận hiến trong muôn vàn cách khác nhau để tròn trịa thiên chức của mình, họ cũng sẽ nhận được nhiều lời hoan ca khác nhau...Tôi biết điều đó đấy! Nhưng khi gặp cô rồi tôi không biết mình phải nói gì cho phải đây? Tôi sợ tất cả những câu hỏi, tôi sợ tôi đụng chạm điều gì đó khiến cô phải buồn, tôi sợ cả những cái giật mình xảy ra...Tôi không dám an ủi nếu tôi thấy chua xót, tôi không dám nói cao đẹp nếu vì quá ngưỡng mộ. Vì tôi sợ thiếu, tôi không thể đo lường hay đong đếm, vì tôi có cảm giác không thể nào là đủ là đầy, là trọn vẹn với cô...Tất cả trong tôi ngoài sự cảm thông và mến phục, tôi không muốn suy nghĩ điều gì thêm cả. Bởi tôi đang đối diện với một cái Đẹp, nên chỉ cảm nhận thôi và im lặng giữ lại cho riêng mình.

Căn nhà gỗ trên đồi luôn đóng cửa, rất ít khi mở ra. Nó cũng như chủ nhân của nó là khép mình giữa núi rừng B,lao để tránh né những ánh nhìn từ bên ngoài vào. Cứ như là tự nhiên nếu ai đó cảm thấy thú vị mà dừng lại quan sát, hoặc có thể là sự hờ hững để rồi trôi qua...

 Ở trên đồi Phương Bối, trong ngôi nhà gỗ đó tôi chưa một lần bước vô mà chỉ đứng từ xa ngắm nhìn, nhưng có cảm giác một làn hương thơm phảng phất lan tỏa dần ra và tràn ngập cả vùng đồi này...tôi bất giác như mơ hồ đi lạc vào một nơi nào đó xa xăm, có bóng người đàn bà mảnh mai, cao gầy cứ thoắt ẩn hiện khắp núi đồi, bóng người ấy đổ dài trên từng vùng đồi đầy thông đang reo ca nhảy múa. Bóng người đó lặng lẽ và hiến dâng.

(còn tiếp)


12 nhận xét:

  1. Tem cái đã! Chưa đọc nội dung, chỉ công nhận sp chụp hình cùi bắp quá :))

    Trả lờiXóa
  2. Ghét quá! Tả người đẹp rõ là hay, thế mà chả có cái ảnh nào cho người ta chiêm ngưỡng!
    Lãnh nói đúng đó, hầu hết vợ nhà thơ đều khổ. Mà chả cứ gì nhà thơ! Vợ cái đám văn nghệ sĩ nói chung - đều khổ như nhau.
    Lại trộm nghĩ, không biết ở nhà Lãnh có ai khổ vì... Lãnh không? Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Là cảm nhận của em thôi chị OM ơi! Thật sự cô ấy đã già nua và khắc khổ lắm rồi, chỉ còn là những đường nét xa xưa. Nhưng e thấy rất đẹp thật sự. :D

      Nhà e thì không có ai khổ vì em cả...vì họ cực quen rồi :))

      Xóa
  3. Tỷ đọc thấy xúc động lắm với bút pháp của Lãnh. Tỷ nhận thấy Lãnh đã tả người đàn bà ấy bằng cả tấm lòng chan chứa yêu thương và cảm thông sâu sắc. Iu Lãnh. :x

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng chưa hẳn đâu tỷ. Cảm xúc chỉ nhất thời mà vô cảm thì triền miên...:D

      Chắc có lẽ phải gặp trực tiếp nhân vật chính mới thấy rõ nét nhất. Đệ cũng chỉ cảm tính phang ngang thôi :D

      Xóa
  4. Mình thực sự tò mò với "Nhật ký B'lao". Đã nghe về Nguyễn Đức Sơn từ lâu, biết ông được gọi là một "dị nhân". Nhưng một nửa của ông thì hôm nay mình mới biết rõ hơn một chút. Mạch văn của bạn ở bài này khác hẳn với hai bài trước. Nếu ở hai bài trước là ngòi bút viết trên đồi Phương Bối chỉ có cây, có lá, có một ngôi nhà bí ẩn với những lối mòn lợt màu thời gian trong niềm say mê khám phá một con người thì bài này có thêm một dòng nước mát lành chạy ngang ngọn đồi ấy, dòng nước là nguồn gốc của sự sống, nguồn gốc của những thành công...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu có dịp bạn LV nên ghé đến xem "dòng nước" ấy nhé! Nó hơn rất nhiều mà Lãnh viết :D

      Xóa
  5. Khi chiều qua đọc, thực sự thích. Com đi com lại đến hai lần mà cái máy nó cũng không nhận. Giận quá về. Chừ qua không biết làm sao gõ lại cái xúc cảm khi chiều được.Thôi thì viết ri : Đọc xong ba trang nhật kí về B. Lao của Lãnh LC thấy thế này " Lãnh hình như luôn đi tìm cái lạ, cái kì, cái quái, cái khác người nhưng tự trong sâu thẳm con người Lãnh nó lại chọn cái đẹp, cái dịu dàng, cái yếu đuối để đến. Đọc Nhật kí Blao của Lãnh hai trang trước và Trang này sẽ thấy ngay được điều đó. Cái nhìn trìu mến, yêu thương của Lãnh làm cho Cô Phượng trở nên thật đáng yêu. Mà có lẽ cũng tại cô ấy đáng yêu nên mới làm cho Lãnh viết ra được những lời văn sóng sánh tình đến thế. Thích!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc có "mưu đồ bất chính" nên mới bị rứa chớ chi :D

      Người đó thật khó nói, không biết giải thích như thế nào cho trọn vẹn đây! Cứ để như vậy...:D

      Xóa

  6. Bác lanhdien viết về cô Phượng hay lắm! :b)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :D. Nhiều người viết hay lắm, Lãnh thì đang lúng ta lúng túng đó thôi.

      Xóa

Thập diện mai phục