Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Nhật ký vô danh





Về đồi mây thắp hương nằm mộng



" Một chiều kia có em buồn buồn
thân mong manh như lau sậy hiền
về đồi mây thắp hương nằm mộng
rồi ngủ quên giữa trời mênh mông

Một chiều kia có em nhẹ nhàng
đi không nhanh chân không vội vàng
về nguồn xưa gối tay nằm bệnh
về cội xưa níu tay nghìn trùng "

" Có người mà bỏ cuộc đời đi như một giấc ngủ quên "* Câu nói ngày xưa của Trịnh gắn liền với bài hát này thật phù hợp và đúng nghĩa. Mặc dù Níu tay nghìn trùng là một bản nhạc có tiết tấu hơi nhanh, gấp gáp. Nó không có cái hơi thở tự sự, than vãn...thay vào đó là sự hối hả đang lan nhanh và rộng ra.

Họ Trịnh đã định hình cho mình một lối đi xuyên suốt qua cuộc đời này một cách nhẹ nhàng, nơi mà Trịnh muốn đến phải  là đồi mây, là nguồn cội của những giấc ngủ, của chiêm bao, nằm mộng...Đó cũng là đích đến cho một cuộc viễn du, hay nói cách khác là một kiếp rong chơi qua cõi tạm.

Con người khi mới sinh ra là đã chết đi rồi? Trịnh đã từng có ý niệm " dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ" đó sao? Bởi vì sao lại có ý niệm đó? Đó là khi bắt đầu một sự sống, là cũng bắt đầu chờ đợi một sự kết thúc. Chẳng biết bao giờ cả? Nhưng! nó là chứng minh cho cái gọi là không có sự vĩnh hằng hay bất diệt.Chẳng ai có thể bước qua quy luật của sự sống và cái chết cả! Thế nên con người chỉ còn cách là đón nhận nó như một điều tất yếu. Có điều, đón nhận nó như thế nào do mỗi cá nhân tạo ra cho riêng mình. Ví như Trịnh thì đó là " về bên núi đợi" hay " về đồi mây thắp hương nằm mộng, về cội xưa níu tay nghìn trùng"...v...v...để rồi ngủ quên.

Sở dĩ tôi đang nói về cái chết là bởi có người đã từng hỏi tôi về cái chết. Thêm một phần nữa là tôi đang nghe lại ca khúc Níu Tay Nghìn Trùng của Trịnh một cách chăm chú.

Nếu nói đến cái chết, theo chủ quan cá nhân tôi thì đây là sự giải thoát ngọt ngào nhất mà con người đang thừa hưởng. Và nếu cuộc sống là một chuỗi đam mê ( đam mê về lý tưởng, đam mê về vật chất, tình yêu, sự nghiệp, công danh, gia đình...) thì tất cả những thứ chủ quan liên can đến cuộc sống đều bị ràng buộc chằng níu với nhau như hình với bóng. Bởi con người ai cũng có trái tim, khối óc, ai cũng đều biết yêu thương và đau khổ,ai cũng có thể là hận thù...bấy nhiêu đó thôi cũng đủ khiến cho người ta ham muốn sinh tồn.  Và điều tối thượng hơn hết, đó chính là sự sống rất cao quí.

Mỗi sớm mai nghe tiếng chim hót, thấy bình minh réo gọi, thấy những người thân xung quanh mình cười cười, nói nói...thử hỏi ai không thích thú chứ? Những hình ảnh thân quen cứ liên tục, liên tục xuất hiện như nhắc nhở chúng ta rằng hãy cố gắng nâng niu từng khoảnh khoắc, từng cơ hội có thể nắm bắt được, đừng nên bỏ lỡ, đừng vội lãng quên..." Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" là thế. Thật thú vị có phải không? Đến như Bùi Giáng còn tha thiết thốt lên rằng;

Ngày sẽ hết và tôi không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu


Phải chăng cuộc sống là buổi hạnh ngộ sơ đầu cho đến lúc đoạn cuối ly biệt đều là vòng vo không lối thoát? Ngay cả Bùi tiên sinh ngất ngưỡng trong cõi ta bà còn cảm thấy quyến luyến, dù rằng đôi lúc đã từng; " Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc/ nào ngờ đâu ở mãi tới hôm nay "

Thế nhưng, ngộ nhỡ hoặc chẳng may " một chiều kia có em buồn buồn...về đồi mây thắp hương nằm bệnh" thì sao chứ? Là u uất, là oan nghiệt, cay đắng chăng? Có thể được chứ! Nếu như ta đồng tình với khái niệm đó. Nhưng không được liệu đã làm sao? Chẳng sao cả, nếu như ta thấy đó là một cuộc giải thoát, là sự nhẹ nhàng, thanh thản, là về với hư vô!

Tôi chăm chú bài hát Níu Tay Nghìn Trùng là bởi ngay điểm đầu tiên tôi nhận thấy đây là một ca khúc có những hình ảnh đẹp tựa một bức tranh. Hãy thử cảm nhận những dòng này và hình dung xem ;

Mặt trời xa đã trôi về gần
Rơi trên sông rơi sau bờ thành
Nhìn cỏ cây ráng pha màu hồng
Nhìn lại em áo lụa thinh không.


Bằng ngôn ngữ của mình Trịnh đã vẽ lên một bức tranh hoàng hôn tuyệt đẹp. Bờ thành cổ kính, rêu phong vào buổi cuối ngày, tưởng chừng như đã thành phế tích bỗng hồi sinh trở lại, nhờ nét phản chiếu lấp lánh của mặt trời soi mình qua sóng nước. Trong cái khung cảnh hồng hoang đó chợt nhận ra sự mong manh từ sương khói, cái hư ảo của cuộc đời, là sự phảng phất thân quen mà cũng trở nên xa lạ. " Nhìn lại em áo lụa thinh không" là đang đuổi theo một cõi mơ hồ, chưa thật rõ ràng, chưa thể nắm bắt. Một bức tranh hoàng hôn phảng phất nét đẹp của trang tuyệt sắc giai nhân.

Tôi rất thích thú khung cảnh đó, nói rõ là khoái cái ngôn ngữ mà Trịnh đang diễn tả. Rất khó hình ảnh thứ hai nào khơi gợi cho người ta thấy được một sự rụng rơi, một nỗi niềm sắp sửa tan biệt mà lại bay vút lên đẹp lạ lùng như thế? Đó chẳng phải là ý niệm quen thuộc về sự sống và cái chết trong Trịnh rất nhẹ nhàng đấy sao? Là một cuộc hành trình đang tiến đến chẳng thể chối cãi. Là cách đón nhận đầy kiêu hãnh của một tình yêu mênh mông.

Tôi tự hỏi tại sao " Một chiều kia có em nhẹ nhàng/ Đi không nhanh chân không vội vàng thế, mà sao tiết tấu gấp rút quá vậy? Phải chăng Trịnh sợ không kịp để yêu, hay sợ hãi điều gì nữa? Có lẽ đó là hơi thở của sự yêu thương, là những khao khát muốn dâng hiến, tặng thưởng cho người tình của mình... Hơn nữa tiết tấu nhanh có thể đó là hơi thở của cuộc sống. Nhưng một khi lòng đã thoát ra, thì đó chỉ là những bước nhẹ, rất không nhanh, không vội vàng đấy thôi. Vậy nhanh thì đã sao chứ? chậm thì đã sao chứ. Tất cả đâu có thể thoát ra ngoài ý nghĩa " Về đồi mây thắp hương nằm mộng,  Về cội xưa níu tay nghìn trùng "...Thế thôi!







6 nhận xét:

  1. Like!
    Thứ nhất: Lãnh hiểu bài hát, hiểu ca từ, hiểu giai điệu.Và có thể còn rất hiểu Trịnh nữa!
    Thứ hai: hình như tớ,trong một phút giây nào đó, đã từng muốn "níu tay nghìn trùng". Cám ơn Lãnh vì sự phân tích như thế này: "Rất khó hình ảnh thứ hai nào khơi gợi cho người ta thấy được một sự rụng rơi, một nỗi niềm sắp sửa tan biệt mà lại bay vút lên đẹp lạ lùng như thế? Đó chẳng phải là ý niệm quen thuộc về sự sống và cái chết trong Trịnh rất nhẹ nhàng đấy sao? Là một cuộc hành trình đang tiến đến chẳng thể chối cãi. Là cách đón nhận đầy kiêu hãnh của một tình yêu mênh mông."

    Thứ rốt: Lãnh viết "Nếu nói đến cái chết, theo chủ quan cá nhân tôi thì đây là sự giải thoát ngọt ngào nhất mà con người đang thừa hưởng" - tớ trộm nghĩ, chắc Lãnh chưa giáp mặt với cái chết lần nào?
    Tớ thì nghĩ: cái chết là sự thật khủng khiếp nhất mà con người, khi kề cận với nó,mới thấy hết được. Và tớ cũng tự hỏi: trong đời mình, Trịnh có khi nào nghĩ như tớ, hay Trịnh chỉ nghĩ như Lãnh thôi?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giáo xin mạn phép được đồng ý với bạn LV! Ai chưa cận kề cái chết mới nói được nhẹ nhàng như thế. Không ai yêu cuộc sống mà ko thấy cái chết thật khủng khiếp, chỉ trừ những con người quá đau đớn vì bệnh tật, quá tuyệt vọng và tâm hồn tan nát, họ mới cho tìm đến cái chết để giải thoát. Đa số chúng ta dẫu có than thở cuộc đời đáng chán thế nào, vẫn muốn níu lại cuộc sống, dẫu chỉ một ngày...
      Giáo nghĩ ông Trịnh cũng nghĩ như LV vậy, vì ông thiết tha yêu cuộc sống nên mới thường bị ám ảnh về cái chết...

      Xóa
  2. Cô nhỏ lại thấy rằng vạn vật trong thế giới này biến chuyển không ngừng, bản thân mỗi chúng ta so với vũ trụ này không bằng hạt bụi,sự chết cũng là điều hết sức bình thường theo quy luật tái sinh và tận diệt. Tận diệt rồi sẽ lại tái sinh ở một thế giới khác. Những mối quan hệ ta có được ở nhân gian coi như là duyên nợ, có duyên rồi sẽ lại gặp nhau. Nếu yêu thương và tiếc nuối cuộc sống thì chỉ cần ta sống trọn vẹn, sống ý nghĩa từng ngày khi ta còn ở nơi này là được. :)

    Trả lờiXóa
  3. Oài, lý thuyết thì đúng vậy, nhưng để suy nghĩ và thực hiện được suy nghĩ ấy thì chỉ có ai tu đắc đạo rồi mới làm được, còn lại thì cả nhân loại, ai cũng sợ chết cả, Cô Nhỏ ơi! Chị đồng ý với Lộc Vừng và Giáo!
    Nhưng bạn Lãnh thì phân tích bài này rất hay! Hi vọng đến một ngày bạn í sẽ bỏ rượu, bỏ... tòm tem, sẽ... đi tu và đắc đạo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em chẳng sợ chết đâu, và khi em đã sống trọn vẹn từng ngày ở dương gian thì khi chết em sẽ không hối tiếc điều gì cả. Em duy tâm, và tin ở số mệnh. Điều em sợ nhất là chứng kiến người thân của mình đau đớn, hoặc là mình bị bệnh nan y mà không chết được làm khổ lụy tới người thân. Còn cái chết thì em tin mình sẽ thản nhiên đón nhận như một bước ngoặt đến với một cuộc đời mới :)

      Xóa
  4. Cái nỳ để dành làm một ẻn khác rồi còm luôn một thể hỉ. Mấy bữa nay rớt mạng mà người cũng đơ như cây cơ roài :))

    Trả lờiXóa

Thập diện mai phục