Em khen vầng trăng đẹp
Soi tỏ lối chúng mình
Em – cũng vầng trăng đẹp
Cứ rằm mãi trong anh
(53)
Trong một ngày tình cờ, đón nhận tập thơ Từ Vầng Trăng Mười Sáu của Cao Xuyên với 81 bài tứ tuyệt đa số làm theo lối ngũ ngôn cứ man mác và trào dâng một thứ cảm xúc khác lạ của một thời quá khứ, một nỗi niềm…như là một thứ gì đó lặng lẽ, không ồn ào, bon chen giữa những tất bật đời thường.
Những bài thơ của anh không gọt dũa hay trau chuốt kỳ công. Thay vào đó là một cảm xúc nhẹ nhàng, hoài niệm…Cao Xuyên như dẫn dắt người đọc ôn lại từng chuỗi kỷ niệm và bùng cháy lại một thời huy hoàng của thập niên 70. Thời điểm mà xuất hiện những bài thơ ngũ ngôn nổi tiếng một thời nay chợt bỗng nhiên về lại. Gợi mở trong tâm thức người đọc một cõi mênh mang, hữu mộng. Một thế giới tâm linh được đan xen phảng phất qua từng câu chữ. Ở đó người đọc dường như cảm nhận được hai thế giới song hành với nhau, giữa Đời và Đạo lúc này chỉ còn là một cảm nhận chung rất gần gũi và hiện thực. Nó không còn là một thứ triết lý sâu xa, mơ hồ…Thay vào đó là sự gần gũi đến cùng cực. Bằng chất liệu nội tâm, bằng một thứ ngôn ngữ chân chất nhất Cao Xuyên đã bộc bạch và dàn trải ra trên bề mặt thi ca của mình như là một chiếc cầu nối gắn liền và liên kết đến từng góc cạnh, từng suy nghĩ rất đỗi bình thường mà thấm nhuần từng chất, vị thanh tao.
Trong thơ anh cái đầu tiên mà cảm nhận ngay đó chính là sự Buông, Xả trong tư tưởng nhà Phật. Nhưng lại gắn liền với một thứ mà nó ràng buộc con người, thứ mà nó đưa con người lên đến đỉnh vinh quang và cũng nhấn chìm con người xuống vực sâu u tối. Nó là cội nguồn của sự sống, của vĩnh hằng và cũng là cội nguồn của Hỉ, nộ, ái, ố…Nó chính là tình yêu. Một tình yêu với lối đơn giản là không viết hoa thuần khuyết được anh cảm nhận một cách rất tinh tế và chân phương.
Chuối sau vườn bói quả
Cúng dường lũ chim non
Đêm nay rằm em ạ
Cúng dường nhau trăng tròn
(4)
Có thể hiểu cúng dường là một hình thức tâm linh của Nhà Phật, ở đó con người có thể đến một cách tự nguyện, không ép buộc , gò bó. Nơi mà con người Buông mình ra, thả lõng mọi việc và cống hiến hay cỡi mở lòng mình để ban phát cho chúng sanh, vạn vật bằng tất cả lòng thành và kết quả là nhận được sự hoan hỉ và niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên.
Bằng một lối suy nghĩ đời thường và dung dị nhưng gắn liền với triết lý sâu xa kia, anh đã bộc bạch một trạng thái khác để người đọc có thể cảm nhận dễ dàng hơn, gần gũi hơn. Nó có thể là như vầy: Nếu như lũ chim kia đón nhận niềm hạnh phúc kia như một lẽ tự nhiên, là quy luật vô thường của cuộc sống thì trong tình yêu giữa cái cho và nhận được đúc kết từ thành quả khác. Một sự viên mãn của hạnh phúc…Không gần, không ngắn. Không dài, không xa…thay vào đó là một sự tròn trĩnh như đúng hạn kỳ được tô điểm lên Từ Vầng Trăng Mười Sáu. Một sự tỏa sáng không có sự gầy khuyết hay tròn, méo, ốm, dẹp…rất vừa vặn đủ để tình yêu thăng hoa: Đêm nay rằm em ạ/ Cúng dường nhau trăng tròn. Như là một thành quả của bao ngày chắt chiu vun xới, ban phát nay được đền đáp tràn đầy. Và từ đây ta có thể hiểu “cúng dường” trong thơ anh nó hiện thực và đơn giản hơn, như là một sự “Cho và Nhận” giữa lẽ đời dâu bể như là:
Một thoáng thơm tình đầu
Ta cúng dường cho nhau
Ơi! Thoáng thơm thường tại
Giữa muôn vàn bể dâu.
(73)
Không dừng lại ở đó Cao Xuyên đã bức phá và có những ý tưởng nghe có vẻ rất đỗi mới lạ nhưng thật ra nó vẫn là một phần của đời sống thường ngày của chúng ta. Hãy nghe những câu này:
Em là con Thiên Chúa
Anh là con Phật Đà
Mình kết hôn đi nhé
Phật Chúa thành sui gia
(69)
Nghe như có vẻ lãng mạn đấy… Nhưng mà cũng đúng thôi! Cái lạ về cách nghĩ trong thi từ chứ với đời sống này, tình yêu này thì nó chẳng hề lạ chút nào. Trong tình yêu thì mọi chuyện đều có thể…Cho nên nó chẳng hề phi lý. Thực ra đó cũng là ước muốn của bao người, bao thế hệ. Từ khởi thủy sơ nguồn cho đến tận ngày nay. Khi phát hiện ra tình yêu, con người chúng ta luôn luôn dằn xé và đau đớn cho những mảnh tình oan khiên được xây dựng trên những giáo điều ngăn cách, không có sự hòa hợp, thông cảm, sẻ chia. Anh như hóa giải những điều kia với mong muốn xóa bỏ bức tường ngăn cách. Những định kiến, sắc tộc, tôn giáo, trường phái…tất cả đều bay hết đi, lật nhào hết đi trước tình yêu. Đó chính là cái ước muốn không riêng gì anh mong muốn và thể hiện trong thi ca , mà ngay trong cuộc sống này chúng ta vẫn ao ước như thế.
Những gì của tình yêu cứ mặc nhiên ban phát, mặc nhiên đón nhận. Đừng để mình phải như thế này:
Kẻ đến còn ngập ngừng
Người đi chừng tiếc hối
Tình chia ngã ba sông
Con đò nào chết đuối
(66)
Trong tình yêu đây chính là cội nguồn của khổ đau. Nó nhấn chìm chúng ta vào trong mê lộ bởi những phút yếu lòng. Để lại một kết cục đau thương. Em, Tôi hay ai trong chúng ta sẽ vùi sâu trong lối rẽ đó? Xin thưa rằng : Tất cả đều chết! Không một ai sống sót nếu như một khi đứng trước bờ vực số phận đó. Chẳng có vết thương nào hay sự đau khổ nó dày vò con người như tình yêu. Rất đau đớn và dằn vặt …Để rồi phải kêu lên:
Làm sao mà xóa được
Vết yêu thương một thời!
Cứ mỗi khi chiều xuống
Loang tím cả khung trời.
(50)
Hay như:
Hạt lệ thằng chăn trâu
Rớt xuống thành mùa ngâu
Giờ đã vào tháng bảy
Mưa đầy trời…Em đâu?
(35)
Ngoài những trăn trở về tình yêu thì trong anh vẫn đau đáu một hồn quê. Một miền thương cảm, một sự nao lòng của một quá khứ lịch sử trôi qua với biết bao thăng trầm biến đổi.
Từ:
Tây nguyên chiều nghĩa trang
Người về sâu đáy mộ
Cỏ may đâm áo quần
Hồn sao đau lỗ chỗ!
(39)
Cho đến:
Ngoài kia chiều đã tắt
Mẹ thắp hương bàn thờ
Đứa nón cối nón sắt
Thêm một ngày bơ vơ.
(65)
Để chúng ta thấy rằng đằng sau những mất mát đau thương từ cuộc chiến. Những người lính đã anh dũng hy sinh và cống hiến cho Tổ quốc trong vinh quang hay thầm lặng …thì nỗi đau vẫn còn đó. Vẫn dày xéo lên đồng đội, tua tủa đâm ngang khi đối thực tại hội ngộ với quá khứ . Nơi đó là nơi của những người bạn đồng đội một thời. Và hơn hết là còn có những người Mẹ đối diện với đau thương mất mát. Chiến tranh là một thứ mà luôn luôn gieo rắc tang thương xuống nhân loại, nó cuốn con người vào hai bờ sinh tử…Ở bờ bên kia số phận, người lính đã điểm tô lên cho một trang sử hào hùng thì bây giờ nơi bến bờ này những người bạn, người mẹ, người vợ đang đón nhận những mất mát kia một cách thầm lặng từng ngày trong thực tại
Khi đọc những đoạn thơ trên tôi bàng hoàng tự nhủ rằng: Liệu vầng trăng mười sáu có còn tròn trịa như tôi đã từng suy nghĩ không? Nhưng không! Vẫn còn đó - Nếu như tình yêu luôn là vĩnh cửu và chiến tranh luôn có sự mất mát đau thương. Thì Thơ là nguồn an ủi và hiến dâng vô tận. Vâng! Chính thơ ca đã cho chúng ta nhìn nhận ra vấn đề đó, để chua xót, để thương cảm, ngậm ngùi, hoan ca, khích lệ và để xích lại gần nhau hơn…
Sẵn bài ca - chim hót
Sẵn mùi hương – hoa ngát
Sẵn niềm yêu - tôi khóc
…Và thế giới đăng trình.
(31)
Từ vầng trăng mười sáu. Cho và Nhận đến như là một lẽ tự nhiên như là:
Từ tiếng khóc chào đời
Đến nấm mộ im hơi
Ba vạn sáu dâu biển
Thơ mãi là thơ thôi.
(74)
Lãnh 15/05/2012
Thơ hay cũng bởi người bình.
Trả lờiXóaEm chỉ giỏi phá thôi chị! Bình ấm chi mô chớ :D
XóaTuyệt!
Trả lờiXóa:P
XóaChị chôm về cất kho nha!
Trả lờiXóaHic! Mới vừa khen xong đã đem về cất kho :(
Xóaiu như thế có bằng mười hại nhau ah? :))
Sao zợ? Chị xin rùi mà cũng la hử?
XóaBiết rứa không thèm xin.
Xóa