Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Phương Xích Lô qua bài viết của 1t2u3a4n

http://images.yume.vn/blog/200903/17/12169981237242721.jpg
Phương Xích Lô
Tôi sẽ viết về người, dù tôi đến với người dường như muộn hơn cả. Không sao, muộn hay sớm cũng ý nghĩa gì đâu, khi người đã lặng lẽ về một nơi nào xa lắm.

Người đã đi, nhưng những bài thơ người để lại vẫn còn đó, chân thật và tự nhiên đến lạ kì, chân thật và tự nhiên đến nỗi, lần đầu đọc, tôi đã thấy như người quen, hoặc cao hơn, như nói tự trong lòng, như trong hơi thở của tôi.
Không biết cuộc hành trình 51 năm trong cõi tạm của người, người đã tìm được những gì, đã tìm được cái người định tìm chưa, nhưng trăn trở về cuộc kiếm tìm đã được ghi lại thành những dòng đầy trăn trở vang vọng về sau, dội vào hồn người, vào thinh không không dứt:

Tôi đi tìm lửa trong đêm
Tìm ngọc trong đá, tìm sen trong bùn
Tìm cao giữa đám thấp lùn
Tìm rồng giữa lũ giun trùn ngu ngơ
Tôi đi tìm thực trong mơ
Tìm thanh trong tục, tìm thơ trong đời
Tìm người giữa lũ đười ươi
Tìm tri âm giữa tiếng cười, lời chê.
Tôi đi tìm tỉnh trong mê
Tìm yên lặng giữa bốn bề phong ba
Tôi đi tìm Phật trong Ma
Tìm Thánh trong Quỷ, tìm Ta trong mình.
(Tìm)

Sự khát khao được gặp gỡ những gì tốt đẹp, thánh thiện trong xấu xa, thấp hèn chỉ có thể có bởi một tâm hồn thanh khiết, gạn đục khơi trong. Tâm hồn ấy dù "lắng nghe bao tiếng xô bồ vây quanh" mà vẫn "nhìn lên một mảng trời xanh, thấy mình còn chút thanh bình trong tâm". Một tấm lòng hồn hậu, dạt dào tình cảm và cứng cỏi. Phải, cứng cỏi. Và nó hoàn toàn hòa hợp với tính cách ngang tàng, hào sảng người để lại trong thơ...
Đời Phương cũng long đong lận đận. Từ một sinh viên Văn khoa, Phương cuối cùng trở thành một người gắn bó với xe thồ và xích lô. Song hình như trong con người ấy, cái cay đắng và chua chát về thân phận vẫn không hoen được tâm hồn rộng mở, hồn hậu và hào sảng. Phương viết về nghề nghiệp của mình không ít; trong đó có những câu mở ra cái nhìn mới lạ, trìu mến; đồng thời ẩn chứa vẻ ngang tàng của một tính cách, một tài năng. Có thể bạn cũng sẽ như tôi, đọc và thích thú pha đôi chút ngậm ngùi trước những câu thơ thế này:

"Làm tên phu xe qua ngày tháng
Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười.

Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền không bạc vẫn cười vang"

(Giọt nước Hương Giang)

hay:

"Những lúc về khuya còn ai thấy bác?
Người phu già lăn bóng dọc đường trăng
Bác chở tôi một lần rồi quên lãng
Nhưng riêng tôi chở bác suốt thời gian".

(Gửi bác xích lô Hà Nội)

Có khi, Phương viết hẳn thành nguyên vẹn những bài về nghề... đạp xích lô của mình. Ta sẽ thấy xích lô quen thuộc lắm, gần gũi lắm nhưng cũng lạ lùng và mới mẻ làm sao:

XÍCH LÔ HÀNH
Tặng Phạm Huy Ngữ (Mẫn xích lô)

Ta xích lô hề! Ngươi xích lô
Từ đây thôi phải đạp xe thồ
Trước chơi hai bánh chừ ba bánh,
Trước chở một cô chừ bốn cô.

Gác cẳng chờ hàng trên bãi vắng,
Dựa lưng đợi khách dưới cây to.
Dù sao cũng phải còng lưng đạp,
Vẫn ở trong ngành vận tải thô!

Ngươi xích lô hề! Ta xích lô
Về đây sau những chuyến giang hồ.
Thợ không ra thợ vì cô thế,
Thầy chẳng nên thầy bởi lỡ cơ.
Trí dở dở khi say khi tỉnh
,Hồn ương ương lúc thực lúc mơ.
Rơi xuống cuộc đời không chao đảo,
Vững vàng ba bánh đỡ: Xích lô!

Ngươi xích lô hề! Ta xích lô,
Cũng là thi sĩ, cũng làm thơ.
Thơ không giúp được người cơm áo,
Thơ chẳng giúp gì ta cháo hồ.
Làm một trăm bài đều mộng mị,
Đăng vài tờ báo cũng hư vô.
May mà nhờ đạp xích lô ấy,
Giàu không giàu nhưng chẳng xác xơ.

Ta xích lô hề! Ngươi xích lô
Ráng cho xong hết một đời phu.
Chở bao đau thương về nghĩa địa,
Chở những hạnh phúc đến tuổi thơ.
Ngó xuống thua chi loài giun dế,
Trông lên hơn hẳn lũ công cò.
Dù sao mình cũng còn lương thiện.
Ngươi xích lô! Ta xích lô!


HÁT VANG BÀI XÍCH LÔ.

Người lên non ẩn dật,
Chuyên đốn củi đốt than.
Ta ẩn trong lòng phố,
Đạp xích lô lang thang.

Khi gặp khách ta chở,
Lúc vắng khách ta nằm.
Có tiền ta uống rượu,
Không tiền ta hát ngâm.

Mặc ai lùi xuống chó,
Mặc ai tiến lên voi,
Ta giữ lòng thanh bạch
Giữa hai vầng sáng soi.

Đã lâu rồi quên hết
Những thị phi giang hồ
Từng đêm ngồi gõ nhịp
Hát vang bài xích lô.

Nếu ai đã gặp Phương ngoài đời, hẳn phải vô cùng ngạc nhiên, bởi sau này, những cơn say của Phương đã trở thành... truyền miệng. Ai ngờ được kẻ ngất nga ngất ngưởng, đêm đêm lang thang vạ vật, xác xác xơ xơ, khi đẩy xe rác ra giữa đường chơi, lúc cởi truồng đứng giữa ngã tư, lắm lúc vừa đi vừa lầm rầm đọc... kinh Phật lại chính là nhà thơ Nguyễn Văn Phương?

Nói nghe có vẻ sợ thế, song những người đã từng sống với Phương lại cả quyết Phương rất... biết ý và ... hiền. Lão Điên lúc vui miệng có kể: Một bữa, Phương lụi cụi vần xe rác bên lề ra... giữa đường đúng lúc lão đi qua. Lão nạt: "Phương nha!". Gã đạp xích lô ấy cười cười như trẻ con mới bị phát hiện làm một việc đáng ngượng, lại lụi cụi vần xe rác vào. Hoặc như chuyện Phương biết mình bẩn nên uống rượu cùng anh em, chẳng bao giờ Phương uống chung ly...

Có lẽ sau này, hình ảnh của Phương trở nên như vậy cũng vì nhiều lý do. Một phần vì Phương từng học Bùi Giáng suốt mấy năm trong 2 kỳ vào Sài Gòn. Hai thầy trò (và sau này thêm một bạn Phương nữa là 3) điên điên khùng khùng cứ vất va vất vưởng, lang thang các ngóc ngách của SG hoa lệ để... ăn xin và... làm trò vui trả nợ đời. Đến nỗi sau này, trong một lần ra Hà Nội, gặp một người điên ở Hà Đông trần truồng giữa phố, Phương đã chặn lại vái lạy. Đó có lẽ không phải là cái vái lạy tôn làm thầy, mà là cái vái lạy để Phương từ giã hẳn việc không mảnh vải che thân lang thang trên đường. (Việc này Phương đã làm quá nhiều lần, trước là để trốn bắt lính, sau này như là thói quen, như là ma nhập. Cũng nên biết, Phương, do có cơ thể đẹp nên còn kiêm cả nghề làm mẫu vẽ cho SV trường Nghệ Thuật Huế nữa. Chả thế mà có lần, Phương nói như thanh minh với Nhất Lâm: “Em cứ tưởng mình đang làm mẫu vẽ??!!”).

Phần nữa, tôi nghĩ quan trọng hơn, là bởi sự tan vỡ của cuộc tình. Rượu, rượu, say, say, vất va vất vưởng, u ám, đày đọa… có lẽ là từ nỗi cay đắng và chua chat của một mối tình mà cái nợ mưu sinh là nguyên nhân chủ yếu.

Theo vốn ít ỏi tôi được biết về Phương, đời Phương có hai mối tình. Mối tình sau với người mà “tên em là bốn loài hoa” Mai Lê Phượng Quỳnh có lẽ không nhiều duyên nợ, đau khổ và ám ảnh bằng với người vợ Trần Thị Lệ Hằng (chí ít là trong thơ cũng thể hiện như vậy).

Nhắc đến tên chị, tôi bỗng nhớ đến mấy câu Phương đã viết trong… bản kiểm kiểm với CA Phường:

Tên tôi là Nguyễn Văn Phương
Tám mươi kiệt một tại đường Chi Lăng
Vợ tôi Trần Thị Lệ Hằng
Đầu lòng sinh được hai nàng xinh xinh.


Sau những chuyến đi dài, Phương đã gặp (hoặc được giới thiệu) chị Hằng. Một nhà thơ, một người đánh đàn tranh, có lẽ hai tâm hồn vì thế hòa hợp khá nhanh… 
Mối tình giữa chàng thi sĩ và cô kế toán chơi thành thục đàn tranh dĩ nhiên đầy những yếu tố mơ mộng và lãng mạn. Một số nghệ sĩ ở Huế còn truyền miệng cho nhau và cho hậu sinh chuyện tỏ tình của Phương: chặn xe của Hằng lại ngay giữa phố mà lạy. Tôi chợt nhớ đến chuyện kể về Bùi Giáng khi ông năn nỉ cô ca sĩ cải lương gì tôi quên béng mất tên, rằng nếu Bùi Giáng chết mà chưa được đáp tình, có thương xót, cô hãy tưới lên nấm mồ ông, không phải là nước mắt, mà chỉ cần nước tiểu thôi, cũng đủ khiến ông mãn nguyện. Có điên, có khùng, có ngông, có ngạo, và tuyệt đối không thể coi thường. Phương có học sư phụ mình chăng?

Tôi không biết, chỉ biết Phương đã được Hằng đáp trả mối tình si ấy. Và vì thế nên mới có những câu như :

Chúng mình như tỉnh như say
Xích lô anh chở, đàn này em ngân.
(Tiếng đàn đêm Nguyên Tiêu)


Lễ cưới của hai người cũng không kém phần long trọng. Quà của Phương cho Hằng là thơ chất đầy mâm lễ cưới. Không biết sau bao nhiêu năm cơm áo gạo tiền, các bài thơ ấy đã đi về đâu?

Ở đời đâu có gì đẹp mãi? Hôn nhân là mồ chôn của ái tình, câu này dường như rất đúng với Phương và Hằng. Sau khi có được 2 cô con gái “đầu lòng xinh xinh”, gia đình càng thêm túng bấn. Những mơ mộng ngày nào như bóng bóng xà phòng chạm những gai nhọn nghiệt ngã cơm áo đều tan sạch sành sanh. Phương đau đớn nhưng không thể làm gì khác ngoài việc để Hằng ra đi. Một chiều mưa tháng Chạp, một bài thơ đã ra đời như đánh dấu một đoạn rẽ trong đời Phương:

Ta đưa em qua đò tháng Chạp
Chiều nay hoa trắng rụng bên sông
Hoa có rụng mới biết đời dâu bể
Tình có xa rượu chuốc mới nồng.

Đi đi thôi, hỡi người yêu dấu
Mà chiều kia xám cõi trời tây
Dường như có cánh chim lẻ bóng
Bay giữa trời lộng tiếng heo may.

Còn gì không? Ừ, chẳng còn gì!
Nhớ gì không? Ồ, nhớ mà chi?
Có chăng mưa tạt bên bờ vắng
Hay buồn tình sông hát khúc phân ly.

Trong mắt em sầu lên tan tác
Người yêu ơi ngày mai xa rồi
Hát cùng ta hỡi người yêu dấu
Khúc tình sầu cho bạt tiếng mưa rơi.

Ta vẫn sống trọn đời trong hiu quạnh
Cây vườn ta vẫn rụng trái tình không
Những hoa trắng tay hồng em ve vuốt
Sưởi hương lòng mỗi tối mùa đông.

Còn gì không, hỡi chiều tắt nắng
Mắt của em, ta chưa uống đã nồng
Thì nói chi những ngày mưa tới
Ta một mình chuốc rượu với mênh mông! 

(Qua đò tháng Chạp)

Bao năm tình nghĩa giờ chỉ không. Bèo xuôi theo nước, nước xuôi dòng. Đã không níu kéo được thì đành chia ly. Phương và Hằng rồi cũng đến ngày phải ra tòa. Tòa xử những vụ này thường cố gắng hòa giải, nhưng tỷ lệ thành công cũng không hẳn đã nhiều. Hằng đã yêu cầu được như đơn đã viết. Tòa đành chấp nhận và hỏi Phương xem có nguyện vọng gì không. Phương đã nói: Thưa tòa, tôi chẳng thấy có điều chi, mà nếu tòa cho phép thì tôi xin đọc ý phát biểu của mình bằng thơ tại đây.
Và thế là Phương đọc:

Em đến với ta trong thời lãng đãng
Khi em mơ mộng,
không nghĩ gì tiền
Qua bao năm cọ xát cùng cơm áo
Em bảo ta chính hẫu
Một thằng điên

Thế là em lôi ta
như lôi một con trâu
ra tòa ly dị
Tình yêu ta gặp buổi thiên tai
Trong khổ đau thơ ta càng vút dậy
Em bỏ ta....
Ta bỗng hóa thiên tài.

(Thơ đọc trước tòa)

Và từ đó, Phương trở nên thành một hình ảnh mà nhiều người không thích, sợ, thậm chí là ghét. Phương uống và uống, say và say. Một Phương từng là mẫu vẽ, mẫu kiến trúc giờ xác xơ tàn tạ theo năm tháng, duy có những bài thơ là vẫn khiến người đọc ứa nước mắt. Cuộc đời mặn thế sao Phương?

Nhát dao nào chém xuống ta?
Vết thương hồn
Rỉ máu
Sa xuống đời
Hòa tan trong biển luân hồi
Kết tinh thành muối
Mặn
Lời thơ đau...
(Mặn)


Người ta nhiều lần thấy Phương đi về nơi Bến Ngự, đó chính là tổ ấm trước đây của Phương. Giờ Hằng đã đi, hai con cũng theo Hằng về phương Nam . Nhìn lại gì, sót chút gì? Chẳng phải “Còn gì không? Ừ, chẳng còn gì/ Nhớ gì không? Ồ, nhớ mà chi” đó sao? Thật ra, muốn quên mà đâu quên được. Những vết thương lòng bao giờ lành lại? Có những ký ức cả đời người cũng không thể nào quên được. Cảnh cũ dường như càng làm vết thương thêm rỉ máu:

Qua Đại Nội chiều nay nghe réo rắt
Tiếng đàn ai ru hồn cố cung đình
Ta chợt nhớ mười ngón tay gầy guộc
Em bên trời còn gảy tiếng đàn tranh?

Mười sáu bậc thanh âm kỳ diệu
Đưa ta bay lên đến tận cung Hằng
Nay đã tắt giữa chợ chiều huyên náo
Quả ma nào che lấp một vầng trăng?

Cho ta xin hồn đàn tranh thủa ấy
Ta sẽ dâng mười sáu sợi dây lòng
Để em gảy khúc tình ca huyền ảo
Trăng phương Đông sáng lại giữa đêm hồng.

(Xin Lại)



Đợt rồi tôi có ra Huế thăm nhà người bạn. Tôi cũng muốn đến viếng mộ Phương xích lô, thắp lên đó vài nén nhang của người sinh sau đẻ muộn. Vì một vài lý do mà việc không như ý.

Phương xích lô mất đã được gần 10 năm. Trước khi mất, dường như Phương đã ý thức được sự ra đi của mình. Trong một bài thơ, Phương bộc bạch:

Ngồi buồn, vẽ cái thằng tôi

Thằng tôi vô định mấy thời tỉnh điên

Tục chẳng tục, tiên không tiên

Lúc vui xuống phố, khi phiền lên non

Trang thơ mấy chữ cỏn con

Chảy bao năm tháng chưa mòn gian nan

Anh em bốn bể cưu mang

Chén cơm manh áo - cơ hàn cũng qua

Sống lang thang chẳng cửa nhà

Chết không đất táng làm ma phiêu bồng

Ra đi có,

trở về không

Những gì lỡ mượn trả cùng một giây.

(Chân dung tự họa)

 

Có lẽ chân tình và thành thật đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc. Tôi nghe những câu như "Sống lang thang chẳng cửa nhà" sao xót xa và ngậm ngùi đến thế.

Phương xích lô ra đi trong một chiều ở Quảng Trị, khi đã đổ quá nhiều rượu vào ngườimà vẫn muốn lội sông cùng lũ trẻ. Nước chảy quá xiết, rượu uống quá nhiều, và việc gì đến cũng phải đến. Ai nấy đều xa xót khi sự đã rồi. Tình cảnh này khiến người ta nhớ đến một bài thơ khác Phương đã làm sau chuyến đi xa - "Thiên Thu Ca" - trong đó có đoạn kết:

Nếu mai này người gặp ta lần nữa

Một thây ma tái sắc cạn linh hồn

Đã qua rồi một thời bừng ánh lửa

Còn thương ta xin người hãy giùm chôn.


Những ý thức và linh cảm về số phận con người ở mỗi cá nhân là có thật? Hoặc giả chính Phương đã muốn kết thúc một khúc đoạn trường bằng cách này?

Phương ra đi, bên mình chẳng có gì ngoài chiếc túi đựng vài bài thơ. Một trong những bài đó, Phương đã đọc - mà Nhất Lâm gọi là "như hét" - ở Huế ngay ngày hôm ấy. Đó là bài "Chạng vạng":


Chạng vạng đất,chạng vạng trời.

Tình tôi chạng vạng trong thời xa em.

Mắt nhìn

chạng vạng hơi men

Miệng đời chạng vạng

chê khen tiếng lời.

Tuổi tên chạng vạng

Quên rồi

Đường đi chạng vạng

biết nơi mô về

Tháng ngày chạng vạng

cơn mê

Oán ân chạng vạng

Bạn bè thờ ơ

Đôi khi chạng vạng vần thơ

Làm sao sáng đến bến bờ tương lai?

Xin trăng sáng trọn đêm dài

Vén màn chạng vạng phủ dày hồn tôi.



Nếu đưa con mắt nhìn nhận bài thơ như một tác phẩm nghệ thuật, tôi không thích bốn câu cuối. Nhưng hãy xem đó như một lời tâm tình thành thật, có thể bạn cũng sẽ thấy nó xa xót, đáng thương biết chừng nào.

Giọng thơ ngang tàng khí khái của Phương ở những bài thơ như thế này chỉ còn lại nỗi chua chát, cay đắng. Nơi kia, Phương có tìm lại được vần thơ cho đời không?

Tôi đi tìm lại vần thơ

Tôi đi tìm lại vần thơ cho đời

Giấc mơ đã chết lâu rồi

Từ khi văn nghệ ru chơi thị trường

Từ khi Phật chạy ra đường

Từ khi Chúa hết yêu thương loài người

Từ khi đất bỏ xa trời

Từ khi em bỏ xa tôi theo Mùn.

(Bỏ - Tặng Thái)


Sẽ có ngày tôi về nơi ấy, một nơi "anh em bốn bể" đã cưu mang Phương, đặt Phương yên nghỉ. Tôi sẽ đọc lại bài "Thiên thu ca" do trụ trì chùa Huyền Không Minh Đức Triều Tâm Ảnh khắc lên bia, và có lẽ tìm thấy chút tôi nào đó:

Ta ngồi giữa cõi vàng muôn hoan khúc

Lắng nghe trời vỗ nhẹ cỏ xanh mơn

Nắng không chết khi đời đang nô nức

Ta quên ta như mây loãng trong vườn.


Trên đồi khói người vây quanh điệu nhạc

Có thấy ta thoáng hiện ở ven hồ

Hay hồn người bây giờ là Đà Lạt?

Thác vô tư chảy mạnh cuốn âu lo.


Ôi lá xanh trổ đầy trong ánh mắt

Người nhìn ta phút âu yếm xuất thần

Khoảnh khắc đó thông tình cao chất ngất

Chim thiên thu về đậu chỉ đôi lần.


Mai sau này người gặp ta lần nữa

Một thây ma tái sắc cạn linh hồn

Đã qua rồi một thời bừng ánh lửa

Còn thương ta xin người hãy giùm chôn. 


http://www.baophuyen.com.vn/Portals/0/ImgNews/060121-Phuong-xich-lo.jpg
Phương xích lô



Tác giả 1t2u3a4n viết xong và cất giấu tại Thảo Am Vũng Thùng.  Sau này có công bố trên trang TAL cùng với các tiện hữu.
 

3 nhận xét:

Thập diện mai phục