Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Hồ như - Hoàng Quốc Bảo

Bạn hỏi tôi, ngày ở đây có vui? Tôi bỗng nghẹn ngào, đây chẳng phải là nơi đã cho tôi những tháng ngày bình yên sao. Vậy mà những đêm dài một mình, nhìn vầng trăng cô quạnh, tôi thường tự hỏi vì sao ta đến đây. Trong sâu thẳm của tiềm thức cứ mãi vang vọng tiếng quê hương, tiếng bạn bè réo gọi. Dòng đời trôi dạt mãi nhưng nào có làm phai nhạt ân tình trong lòng người đi kẻ ở. Và những lúc nghiêng mình bên dòng sông,nhìn vầng trăng cũ, bạn có nhớ đến tôi không? có còn nhớ đến tôi không? 
(Trích từ lời dẫn của ca khúc Hồ Như do Khánh Ly trình bày)
Hoàng Quốc Bảo qua nét vẽ Võ Đình




..H ồ  n h ư..  
..........Hoàng Quốc Bảo........


Rõ ràng tôi với ông vốn là hai thế hệ khác nhau, hai tâm thế khác nhau và cả hoàn cảnh cũng rất khác nhau. Nhưng mỗi khi tôi nghe bài hát này dường như tôi lại thấy bóng dáng mình trong đó. Ở một nơi với vầng trăng cô quạnh của riêng mình, tôi cũng từng thầm hỏi vì sao ta đến đây?


Thú thật rằng đã gần ngót nghét hai mươi năm tôi chưa hề biết đến vầng trăng. Ở trong tôi dường như trăng nơi phố thị nó không còn một ý nghĩa thơ mộng như buổi ban đầu ở quê nhà mà tôi đã từng cảm nhận. Cái cảm giác xô bồ, lo toan thường nhật đã làm hư hao vầng trăng kia ít nhiều, cộng thêm thời gian để thưởng thức đã ảnh hưởng lên ít nhiều đến tâm tư. Cho nên việc thưởng trăng ngắm nguyệt chỉ còn là trong ký ức và một cảm giác rất xa lạ trong hiện tại. Và vầng trăng bây giờ của tôi chỉ là một hình tượng nào đó được dựng xây từ tâm tưởng, từ những tình cảm mà thủy chung tôi cố tình lưu giữ lại từ ký ức để nó được hiện diện ở chốn đi về bây giờ.


Vì thế cho nên khi đối diện với cô đơn tôi thường giải tỏa bằng những nỗi cô đơn khác, những nỗi cô đơn mà tôi gọi là góp nhặt từ tha nhân. Chỉ có như thế tôi mới thấy được những mênh mông vô tận mà cô đơn đem lại. Thật hạnh phúc khi biết được rằng mình còn có một nơi để đến, một chút gì đó để nhìn nhận và sẻ chia mỗi khi có dịp lắng lòng. Cô đơn không có nghĩa là lạc loài, cô độc. Hơn những gì hết đối với tôi nó là một ý nghĩa tích cực. Đó chính là sự chắt chiu của cảm xúc, là sự lắng nghe từ nội tâm và cũng là sự làm trong lành và dịu ngọt với cuộc đời. Đối với tôi khi cô đơn là lúc đó con người cảm thấy quí trọng và nâng niu mọi thứ nhất và những gì mà trước nay mơ hồ đang dần dần sáng tỏ và đẹp hẳn lên.


Thế nên cái khoảnh khắc " Hồ như" là những khoảnh khắc hay thương xảy ra đối với tôi. Một cảm giác ngờ ngợ, những dấu hỏi, ký ức cứ thế hiện về để được đặt ra và giải đáp, để tìm tòi và mở phơi. Nhưng tôi vẫn biết đó chỉ là sự tò mò, là thứ gì đó kích thích trong những lúc cô đơn hay nói cách khác là cuộc kiếm tìm sự đồng cảm trong chừng mực nào đó. Dĩ nhiên là nó chưa thể xác tín hoàn toàn nếu như chưa có một cuộc hội ngộ để được khẳng định. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì đâu bởi đơn giản là trong đầu tôi đã được thành lập những tần số rung động bằng một thứ cảm quan khác, thứ mà nó chỉ thiên về cảm xúc của một cá nhân mà tôi đang vốn dĩ rất trung thành và tưởng thưởng. Và như thế là mỗi khi nghe ca khúc Hồ Như của Hoàng Quốc Bảo thì ngoài cái giai điệu dìu dặt ru êm kia, phần còn lại là những ca từ trong ca khúc là thứ mà tôi luôn muốn tìm hiểu.

Trên trang mạng hiện nay có rất nhiều phiên bản cho lời của bài nhạc này. Theo cá nhân tôi dường như tất cả đều có ít nhiều cái sai trong vài câu từ của bài hát. Thế nên tôi cố dụng công một lần để thử lý giải xem liệu rằng như vậy đã thỏa đáng hay chưa, hay ít ra với tôi như vậy là một góc nhìn khác chăng?


Có những câu như thế này theo tôi thì cần phải làm rõ:

"Đôi lúc ta buồn hơn cỏ dại
Cuộc tình xưa khuya thức khi mai" .

Theo tôi nó là " khua" chứ không hẳn là "khuya". Bởi vì khua là tiếng động chạm, như là sự giật mình bởi một tiếng vang từ ký ức bật lại. Rất mãnh liệt chứ không phải là thứ êm đềm trôi tuột như khuya sớm. Bởi nếu " khuya thức khi mai" thì nó rất nhẹ hều và không có trọng lượng là bao và kèm theo cả sự vụng về của ý nghĩa.

"Có lẽ ta buồn hơn ta buồn
Bảy (Bởi) giòng đời trôi đạt mấy hàng
Và người bây giờ nằm soi trăng cũ
Nhớ gì ta không có nhớ gì ta không ?
Có lẽ ta về ai biết đâu
Trồng vàng hoa trên núi sương hào"

Có người viết Bởi chứ không phải Bảy và trôi đạt chứ không phải là trôi dạt. Mà theo tôi nghĩ đây phải là "bầy rong đời trôi dạt mấy hàng" . Bởi hơn hết đó là sự rong rêu nổi trôi của thân phận đang trôi dạt, lạc loài thăm thẳm, nên chăng nỗi buồn như thế mà thấm đẫm lên, mà " ta buồn hơn ta buồn" chăng?
 Và thêm một câu nữa mà tôi nghĩ nó cũng quan trọng không kém đó là: " Trồng vàng hoa trên núi xương hao" chứ không phải là "sương hào". Sở dĩ tôi cho là nó quan trọng bởi vì ở đó nó nêu bật được ý nghĩa của sự hồi sinh rõ rệt nhất. Sự hồi sinh của nẻo Đạo tiêu biểu nhất của toàn bộ bản nhạc đang được dựng xây. Là chiếc cầu nối để giải tỏa những câu hỏi về sau này. Bởi vì ở đây tôi cảm nhận rằng ở những câu còn lại của bản nhạc chỉ là một lời phúc đáp để làm sáng tỏ cái ý trên kia mà thôi:

"
Có lẽ trăm rừng xanh trở lại
Gọi đàn chim xa mãi phương nào

Có lẽ ta về như giấc mơ
Làm giòng sông bôi xóa đôi bờ
Có lẽ người hồi sinh trở lại
Nhìn cuộc chơi quên bấy lâu nay"

Toàn bộ không nằm ngoài ý nghĩa có một hạt mầm mới đang được vươn lên." Xương hao" phải chăng đó là một biến cố mà tác giả đã trải qua và từng hứng chịu căm căm? là sự chất chồng của một quá khứ lịch sử? Nhưng một khi hoa vàng đã nở rộ nơi ấy rồi thì cũng có nghĩa là mùa xuân đang mở phơi lồ lộ. Là một sự thanh tân khác đang chờ đợi sau bao nhiêu năm lãng quên và tách biệt.

Dĩ nhiên vầng trăng của ông là một vầng trăng tha phương biền biệt, là sự hoài vọng từ dấu vết ngựa hồ lưu lạc, hay là sự mong mỏi trên cánh thiên di đang chấp chới bay về Điều đó bây giờ đối với ông nó đã thành hiện thực. Nhưng ở một mức độ cho phép khác, trong khung cảnh, trong tâm thế khác đối với cá nhân tôi, tôi vẫn còn thấy cái gì đó dành lại cho mình? Là những dấu hỏi, là có lẽ, hồ như...vv..đại loại như vậy liên tục xảy ra?Phải chăng vì đó là sự mong muốn trở về hay còn là điều gì khác nữa mà tôi chưa  lý giải? Nhưng chắc rằng khi đối diện với cô đơn, và nhất là khi nghe bài nhạc này "hồ như" trong tôi đã từng xuất hiện như thế.

Và đây là toàn bộ bài hát này với cách cảm thụ mà cá nhân tôi cho là hoàn chỉnh nhất đang lưu hành trên mạng.

Hồ Như

Đôi lúc ta buồn hơn bến sông
Đời trôi qua như tiếng muôn trùng
Đôi lúc ta buồn hơn cỏ dại
Cuộc tình xưa khua thức khi mai
Đôi lúc ta cười môi rất khô
Lòng quạnh như trăng dãi hiên nhà
Đôi lúc đường về quê mịt mù
Ngựa hồ như đứng hí thiên thu

Có lẽ ta buồn hơn ta buồn
Bầy rong đời trôi dạt mấy hàng
Và người bây giờ nằm soi trăng cũ
Nhớ gì ta không có nhớ gì ta không ?
Có lẽ ta về ai biết đâu
Trồng vàng hoa trên núi xương hao

Có lẽ trăm rừng xanh trở lại
Gọi đàn chim xa mãi phương nào

Có lẽ ta về như giấc mơ
Làm giòng sông bôi xóa đôi bờ
Có lẽ người hồi sinh trở lại
Nhìn cuộc chơi quên bấy lâu nay

Hoàng Quốc Bảo







Thông tin thêm về Hoàng Quốc Bảo
* http://dutule.com/D_1-2_2-111_4-1079_5-10_6-15_17-148_14-2_15-2/hoang-quoc-bao-dong-nhac-nhu-chiec-cau-tam-linh-noi-lien-doi-thuong-va-neo-dao.html

11 nhận xét:

  1. Lời bài hát làm Cô nhỏ nhớ một bài thơ đọc lâu rồi mà không nhớ tên tác giả, còn nhớ mang máng:

    "Ơi ngày buồn như nhánh sông
    Như con nước ngược chảy qua lòng
    Như chiều nắng quái qua đầu ngõ
    Tình đã tàn, bóng vỡ long đong

    Ơi tháng buồn như lá cây khô
    Rừng hoang thiếu gió lạnh vô bờ
    ....
    ....
    Ơi đời dài quá rộng mênh mông
    Ta nghe gió hú dội qua lòng
    Người đi xa quá trời héo hắt
    Ngựa quay đầu, dựng vó bên sông..."

    Hi, nếu mình là V.M.Thụy có lẽ thuộc lòng rồi :)
    Lại có những phát hiện hay hay nè. "Xương hao" à? Như thể "Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh" chăng? Sao không là "sương hao"? Tỷ thấy "sương hao" cũng hay lắm. "Bầy rong đời" theo như ý Lãnh phân tích thì độc đáo hơn "dòng đời" hè, nhưng tỷ cũng tự hỏi liệu "Bảy dòng đời" thì có ý nghĩa gì đặc biệt không? Nếu không thì tối nghĩa quá :-s

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sương hao, hay sương hào nghe thì có vẻ du dương nhưng nó tối nghĩa á tỷ :D. " Xương hao" chính là những mất mát từ chiến tranh của quá khứ. Và trồng vàng hoa trên núi xương hao thì đã xóa nhòa được quá khứ rồi. Nó giống như " giọt máu trên đồi đã trổ bông". Nên từ đó mà có thể thấy lý do tại sao " trăm rừng xanh trở lại" hay " làm giòng xông bôi xóa đôi bờ". Lúc trước dường như khi bình bài này Du Tử Lê có lẽ cũng nhầm lẫn giữa " xương hao" và "sương hào" thì phải. Thế nên ông ta mới có ý muốn hỏi về "dòng sông bôi xóa đôi bờ" nhưng rồi không hỏi mà chỉ cảm nhận theo cái riêng. Lãnh nghĩ nếu ổng thấy là " xương hao" thì chắc không cần phải hỏi làm gì nữa. Vì mọi chuyện đã rõ ràng quá rồi. :D

      Xóa
    2. À! Còn cái " Bẩy giòng đời" nếu có ý nghĩa thì chắc là chỉ cá nhân của tác giả. Bẩy giòng đời Lãnh vẫn không nghĩ ra, lúc đó có nghĩ là Bẩy thứ tình cảm của con người trong kinh Phật, nhưng rồi không thỏa đáng và thuyết phục lắm. Hơn nữa là một khi:

      Có lẽ ta buồn hơn ta buồn
      Bầy rong đời trôi dạt mấy hàng
      Và người bây giờ nằm soi trăng cũ
      Nhớ gì ta không có nhớ gì ta không ?

      Nếu như bầy rong đời chỉ là sự trôi dạt, lênh đênh thì " người nằm soi trăng cũ" chính là sự đọng lại, giống như một cái gì đó buộc phải vướng mắc hay nói cách khác có sự lo sợ bị lãng quên. :D

      Xóa
    3. Thay vì "xương hao" sao ta không nghĩ là "xương hào", như "chiến hào".

      "Bầy rong đời" nghe cũng hay nhưng có khi nào tác giả muốn nói đến "Bảy dòng đời" là bảy kiếp người trong phật giáo.

      Như vậy chữ "quê" ta phải hiểu một nghĩa khác trong

      "Đôi lúc đường về quê mịt mù
      Ngựa hồ như đứng hí thiên thu"

      Nghe nói Hoàng Quốc Bảo nay là một nhà sư.

      Xóa
  2. Đôi lúc ta buồn hơn bến sông ...

    Em chỉ xin câu này là đủ .

    Trả lờiXóa
  3. Mưa quá! Nghe " Hồ như" đọc " Hồ như" và cũng cảm thấy " hừ nhô" roài.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nước lụt rồi phải ko chị ui! Tràn qua Cống Định chưa rứa...hồ như đã tràn :))

      Xóa
    2. Chuẩn bị đi bắt dế thui!

      Xóa
    3. Đợi với! Đừng bắt hết một mình nghe chị :D

      Xóa
    4. Kể nghe, mình đang đi lội nước lụt nè, tự dưng thấy hai ông bà già sồn sồn cười nói hồn nhiên rủ nhau đi bắt dế, người trước kẻ sau zí nhau cười rật rật, dễ xương hông? =))

      Xóa

Thập diện mai phục