"Trời sinh voi trời không sinh cỏ, trái đất nghèo thượng đế bỏ đi. Trời sinh voi, trời không còn cỏ ,Thượng đế buồn thượng đế bỏ đi hố hô Thượng đế buồn..." Câu hát cứ dai dẳng trên mặt sóng Động Đình Hồ và lan ra xa. Mặt hồ tĩnh lặng và im lìm, câu hát vút cao lên và xoáy theo từng đợt sóng lăn tăn. Bật chợt vo tròn lại và cuộn xuống dòng nước xanh biếc. Sau đó...chìm nghỉm rồi tắt lịm.
Họ Lạc vừa múa được hai đường côn thì thở dốc, dạo này sức khỏe của lão có vẻ sa sút nghiêm trọng. Đã bao lần cận vệ Sấu nói họ Lạc đã già nua lắm rồi mà lão ấy vẫn không tin. Những lúc như thế cận vệ Sấu chỉ biết khóc, những giọt nước mắt cứ thế tự nhiên tuôn trào như mưa...
Lau những giọt mồ hôi và thắt lại cái đai quần cho nghiêm chỉnh. Lão Lạc ngồi xuống ghế nhấp một ngụm trà, lão ngửa người ra sau và nhắm đôi mắt lại một cách khoan thai vừa như chiêm nghiệm, vừa như nhà hiền triết... Một làn âm thanh từ đâu len lỏi vào tai lão, nó lớn dần lên và nở phình ra như cái trống. Lão Lạc vận công chống lại nhưng bất thành. Lão Lạc lúc này thấy tai mình lùng bùng và cực kỳ khó chịu, lão phùng mang trợn mắt rồi cố hết sức hét thật lớn:
- Tắt! Âm thanh trầm đục và lan xa...Bọn binh tôm tướng tép giật mình vội chạy đến rút cái phích cắm từ cái đầu VCD được đặt trong động.
Mịa! cứ thứ âm nhạc quỉ quái trần gian chỉ làm rách việc. Lão Lạc làu bàu mấy câu rồi nhắm nghiền con mắt lại...
Rùa Tiên Sinh bò lên mấy bục tam cấp và tiến đến chỗ lão Lạc đang ngồi thẻ thọt:
- Bẩm chủ công, bên ngoài có bọn phóng viên Vê Tê Vê đến xin phỏng vấn và làm chương trình truyền hình.
Nói xong Rùa Tiên Sinh lết xuống bên dưới đứng chờ.
Lão Lạc mở mắt ra và chậm chạp nói: Duyệt!
Rùa Tiên sinh tằng hắng rồi lấy giọng hô to:
- Chủ công đã duyệt, truyền phóng viên vào.
Cái thứ âm thanh bán nam bán nữ của Rùa Tiên Sinh không lẫn vào đâu được, nó thanh thé và chua chát nên người ta không biết tiên sinh là đực hay cái. Họ Rùa chỉ được cái sống lâu lên lão làng nên hai tiếng tiên sinh dành cho lão chỉ nhằm mục đích tôn vinh và khuyến khích.
Nói thêm một chút về Rùa Tiên Sinh tên thật vốn là Giải, thuở nhỏ lưu lạc đến hồ Lục Thủy. Được họ Lạc ban cho chức là Qui công công, về sau hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ được giao, lão Lạc lúc này rất tin cậy và cho trấn giữ hồ Lục Thủy từ đó đến nay, trải qua mấy kiếp vẫn sắt son nên được người đời phong tặng danh hiệu là Cụ. Tiên Sinh vốn cẩn thận nên lúc nào cũng khoác cho mình một bộ giáp chống đạn vì thế nên thân thủ chậm chạp, nhưng được cái an toàn. Vậy mà có thời gian bọn phản tặc Qui Mai Đỏ đem quân tấn công Tiên sinh, bọn ấy nghiên cứu rất sâu sắc nên thay vì công kích vào mông, ngực, bộ hạ tiên sinh, bọn chúng lại nhắm vào cái cần cổ mà chém. Chẳng may trong lúc hỗn chiến, Tiên Sinh rụt cổ không kịp nên bị trọng thương, may nhờ có linh đơn diệu dược của con cháu dâng hiến mới khỏi. Ngẫm lại thấy hài bà cố.
Nói về bọn phóng viên Vê Tê Vê sau khi được họ Lạc cho vời liền lật đật chạy vào trong điện. Nào là ống kính, máy quay, đèn chiếu sáng được dàn xếp rất ngăn nắp và chỉnh đốn đâu ra đó.
Phóng viên: Thưa bố! Chúng con có thể bắt đầu được chưa ạ?
Lão Lạc khoát tay ra hiệu rồi nói:
Đợi tí, để bổn tọa chỉnh đốn quân phục.
Lão vừa dứt lời thì Sấu cận vệ và Rùa Tiên Sinh lật đật khúm núm bò lên điện và make up cho lão. Lúc này trông lão thật uy nghi và bệ vệ, gương mặt xanh như biển, trên đầu cái sừng to tướng như củ khoai nướng, hai mắt đỏ khè và sáng rực như ngọn hải đăng cứ chớp nháy liên tục. Lão khoác cái áo măng tô dài chấm đất, ngồi oai vệ, chân bắt chữ ngũ. Tả hữu có Rùa Tiên Sinh và Sấu cận vệ trợ thủ khiến khí thế cao trào, ngời ngời chói lóa.
Sau khi hoàn tất các thủ tục ngoại giao, lão Lạc hướng về bọn Vê Tê Vê và nói:
- Xong rồi! Ta vào việc thôi các con yêu quí của ta.
Phóng viên: Vâng, thưa bố! Chúng con hôm nay xin được mạn phép phỏng vấn và ghi hình bố về vấn đề đang nóng hổi của nhân loại ạ. Đó chính là vấn đề Tình Yêu, và chương trình hôm nay sẽ mang tên gọi là Truyền Thuyết Về Tình Yêu. Xin mời bố chuẩn bị bắt đầu
- Vâng! các anh cứ việc thỏa mái. Tôi đã sẵn sàng rồi.
PV: Xin bố giới thiệu đôi nét về mình cùng với khán thính giả ạ.
LL (lão Lạc): Dòng họ tôi vốn thuộc họ Thần. Nhưng nhờ giác ngộ tư tưởng nên gia đình tôi chuyển về Nam. Tôi tên Quân vốn họ Lạc, người xứ Âu. Thuở nhỏ đã tinh thông võ nghệ và ngao du tứ hải. Đã từng chém giết hải tặc trên biển vài lần, thuở đó có thể nói tôi là Thần Long Chi Quân cũng không ngoa tí nào.
PV: Vâng! Có thể nói thân thế và sự nghiệp của bố rất lừng lẫy từ trước đến nay. Được cháu con ngưỡng mộ khôn cùng. Vậy về tình yêu thì sao? Bởi sau lưng bố có rất nhiều giai thoại và truyền thuyết. Hôm nay bố có thể cho chúng con vài chi tiết được không ạ?
LL: Về tình yêu đôi lứa nói riêng và tình yêu đất nước nói chung. Trong tôi bao giờ cũng mãnh liệt và đầy nhiệt huyết. Không biết anh muốn nói về tình yêu giề?
PV: Vâng, thưa bố! cả hai ạ. Nhưng trước mắt bố cứ nói về tình yêu lớn đi ạ. Tình yêu quê hương, đất nước...
LL: Về tình yêu đất nước thì không riêng gì tôi mà ai ai cũng đều thế cả. Nhưng anh hỏi thì tôi cũng xin nói đôi nhời. Tôi cực kỳ ghét cái xấu xa và đặc biệt thương xót những người lao động chân chính. Chính họ là động lực lớn để tôi đấu tranh.
PV: Xin bố nói rõ hơn chút được không ạ!
LL: Thì có đấy cả thôi! Thở còn sung sức nhá! Lúc đó tôi tiêu diệt bọn Ngư Tinh còn gì. Lúc đó tôi bọn chúng cậy quyền ỷ phép làm càn tôi chặt nó làm hai khúc. Đuôi tôi vứt ở Bạch Long Vỹ còn đầu thì ném ra ngoài Cẩu Đầu Sơn còn gì. Đối với cái ác và xấu. Tôi là tôi không dung tha.
PV: Dạo gần đây vẫn còn bọn hải tặc lộng hành, chúng con vẫn không thấy bố động tĩnh gì sất. Chẳng hay vì tuổi già sức yếu hay vì nguyên cớ gì khác. Xin bố nói rõ thêm!
LL: Chẳng phải tuổi già lắm đâu. Tôi tuy bây giờ hơi chậm chạp một chút nhưng vẫn còn tráng kiện lắm.
Nói xong lão Lạc vội bước xuống ghế đi liền một bài quyền Thái Cực Dưỡng Sinh đầy hoa mỹ và uyển chuyển mà mặt vẫn không hề biến sắc. Thi triển xong lão Lạc đề khí phóng về chỗ ngồi chễm chệ như lúc đầu.
Tả hữu Rùa Tiên Sinh và Sấu cận vệ vỗ tay và không ngớt lời khen ngợi chủ công. Cánh phóng viên cũng trầm trồ thán phục. Để mọi người tán tụng một lúc lão Lạc bắt đầu ngân giọng nói tiếp.
LL: Đấy! các anh thấy tôi có hề suy yếu lắm đâu, vũ như cẩn cả thôi. Nhưng đối với bọn hải tặc các anh vừa đề cập thì có nguyên cớ cả.
PV: Xin bố nói rõ đi ạ.
LL: Chả là bọn chúng cũng là anh em với các anh cả thôi. Có đều cũng do ngày trước tôi chủ quan nên mới gây ra tai họa này. Tôi thật sự đau lòng vì đám con cháu ngỗ ngược này.
PV: Ồ! Có chuyện vậy sao? Thưa bố!
LL: Nhớ năm xưa, sau khi giết Ngư Tinh xong. Phần đuôi nó tôi để ở Bạch Long Vỹ thì không sao cả. Riêng phần đầu tôi vứt ở ngoài Cẩu Đầu Sơn chẳng may máu của nó lan sang tận Nam Hải. Đám con cháu bên kia chẳng may uống trúng thứ nước có chất kịch độc của Ngư Tinh, nên từ đó về sau tâm tính có phần thay đổi và biến chất. Tính hung hăng, ngang ngược đến mức vô lý của nó đến tôi còn phải kiêng sợ. Kể nhỏ cho mấy đứa nghe nhé! Hôm nọ bố cũng bị nó cỡi Hải giám rượt chạy sút quần đới. Không phải bố sợ chạy đâu. Tại vì dù sao nó cũng là con cháu, là anh em đấy thôi. Bố không muốn huynh đệ tương tàn, các con hiểu chửa?
PV: Nghĩa cử của bố thật cao thượng, thật xúc động và đi vào lòng người.
LL: Các anh quá khen bố rồi. Thật sự bố cũng muốn dằn mặt cho nó sợ, nhưng hết mịa nó nửa quân số theo mụ Cơ lên rừng làm lâm tặc rồi. Bố hận.
PV: Thật sự thì bọn con và khán thính giả vẫn còn hơi mơ hồ tí xíu. Bố có thể chi tiết thêm chút nữa không ạ.
LL: Thôi được...đến lúc này thì tôi chả phải giấu diếm gì nữa, cũng xin lật bài ngửa cho các anh biết luôn
PV : Vâng! Cho con xin
LL: Chả là cái mà tôi hay nhắc đến cụm từ anh em huynh đệ đấy là nó có từ thời cụ tổ tôi. Cụ tổ tôi vốn bên đó, tức bên Nam Hải í. Bố tôi ngày trước đi lạc qua đây, cưới mẹ tôi, sinh ra tôi và cho tôi cai quản, canh tác cái vùng sông biển này. Tôi cặp với em Cơ con nhà Âu sinh hạ được trăm đứa. Khiếp! Bây giờ tôi vẫn còn hãi vì cái chuyện sinh nở đó. Thuở đó không biết kế hoạch hóa nên tôi và em Cơ sản xuất hàng loạt. Sau thấy đông quá và nheo nhóc. Đời sống khổ phải biết...ta nói chưa có cái khổ nào như cái khổ này, nên tôi và em Cơ đành phải chia tay nhau. Tôi dắt theo một nửa hạ thủy đóng tàu đánh bắt thủy hải sản. Em Cơ dắt một nửa lên rừng khai thác gỗ và canh tác nông nghiệp. Thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ hay qua lại với nhau bằng cách trao đổi hàng hóa. Nói chung là đời sống ổn cả.
Nhưng mấy đứa cháu cụ tổ tôi bên kia hay nhòm ngó, tôi chả hiểu bọn chúng nhòm cái giống gì ở tôi nữa. Thỉnh thoảng xách tàu ra rượt bọn con cháu tôi ở ngoài khơi chạy trối sống trối chết, có đứa chạy không kịp bị bắt về bên kia nữa cơ. Tôi nhiều lần lên tiếng nhưng bọn ấy không đứa nào nghe cả, chắc bọn chúng cho là tôi nói yếu quá, nên coi thường ra mặt. Thật sự tôi cũng rất muốn làm lớn chuyện, nhưng ngặt cái mấy đứa theo em Cơ còn nằm ở trên rừng, chưa về kịp nên nhẫn nhục thôi. Sợ bọn chúng bỏ công ăn việc làm, mấy chuyến gỗ lậu thất thoát thì thê thảm lắm...
Nói đến đây lão Lạc ôm mặt khóc hu hu...
PV: Xin bố bớt xúc động, hãy thật bình tĩnh để ta đi vào chi tiết ạ.
Lão Lạc nghe thế liền dằn cơn xúc động ngang hông rồi buông giọng tằng hắng kể tiếp:
LL: Tất cả đều có nguyên cớ mà nguyên cớ thì nó rất dài dòng và lê thê mấy đứa ạ. Giống như sáng nay đấy, bố cực kì bức xúc khi nghe một đoạn nhạc của tên gì gì đó đó trên cạn và có khúc gì gì đó đó kiểu như là " Trời sinh voi trời sinh cỏ" mà được cải cách lại là " Trời sinh voi trời không còn cỏ, thượng đế buồn, thượng đế bỏ đi...". Vô hình chung lại khiến bố nhớ chuyện năm xưa ...
Năm đó bố và em Cơ yêu nhau lắm chứ. Nhưng cuối cùng cũng vì " trời sinh voi mà không sinh cỏ" bố đành ly dị em í. Giang hồ lúc bấy giờ đồn đại nói bố sợ em Cơ nên hai tay dâng hiến hết đất đai cho em ấy. Thật sự thì không phải vậy. Bố bỏ của chạy lấy người vì thuộc làu cái câu " Trời sinh voi trời không sinh cỏ" từ lâu rồi. Em Cơ thì tưởng bở cứ nghĩ " Trời sinh voi trời sinh cỏ" nên em í dắt 50 đứa lên rừng sinh sống. Kết quả các con thấy đấy. Bây giờ có ngọn núi nào mà không trọc đầu đâu. Đừng nói gỗ cây nhé...cả đá nó còn không tha. Đã vậy còn chui vào lòng núi mà khoét nữa cơ.
PV: Vậy phải chăng bố thần cơ diệu toán?
LL: Cũng chưa hẳn như vậy đâu các con. Bố chỉ may mắn thôi. Giống như năm nào đó lãnh đạo Phán cháu bố bị lãnh đạo Đà cháu cụ tổ của bố rượt chạy ra biển. Bố bằng sai Rùa Tiên Sinh trồi lên cảnh báo rằng: Giặc ở sau lưng. Là lúc đó lãnh đạo Đà đuổi theo truy sát thật nên mới nói thế. Nhưng không biết lãnh đạo Phán hiểu như thế nào mà lại nhắm ngay con gái mình chém một phát. Thật đúng là tai nạn ngang hông. Tội nghiệp cháu Nương của bố đến lúc chết mà chẳng hiểu mình vì sao mà chết. Nói thế mới biết cũng chẳng qua là quá tin lời người ngoài mà ra cả thôi. Nhiều khi người ta nói một đường mà mình hiểu một nẻo đó là cái sai lầm lớn. Rất may là lãnh đạo Phán cháu bố tỉnh ngộ nhận lỗi nên kết thúc một cách ngoạn mục bằng đường gươm Nguyên Bá y hệt cải lương, chứ nếu như thời bây giờ thì lãnh đạo Phán chỉ cần kiểm điểm và tự phê bình là ổn cả lòng.
Hay như lúc tên Thủy tìm được xác của cháu Nương mới khóc lóc sau đó đâm đầu xuống giếng, giang hồ lại nói là Tình yêu thủy chung cái gì đó thì bố thấy không có phải. Chẳng qua hai đứa nó chưa sinh hạ 100 đứa thôi. Chứ cháu Nương mà sinh như kiểu em Cơ của bố thì cũng chia tay từ đời tám hoánh rồi.
PV: Vậy thưa bố! Thế còn lời hứa của bố là mỗi khi có chuyện chỉ cần chạy ra biển gọi " Bố ơi! Về với con" thì sao ạ?
LL: Là ngày xưa ta chém gió với em Cơ và các con lúc đó thôi chứ làm gì có chuyện đó. Các con phải biết rằng nếu có chuyện đó thật thì không phải bố bận rộn lắm sao? Làm sao mà có thể ngồi đây cho các con tổ chức họp báo, phỏng vấn, ghi hình rồi lát nữa còn đi tham quan, nhậu nhẹt, gái gú...v.v...v.v....
PV: Vẫn chưa rõ lắm ạ!
LL: Ngu thế! Bọn con cháu bố ngày nào chả ra biển, mà ngày nào chả bị rượt. Thế mỗi lần như vậy nó nói " Bố ơi! kíu con" thì bố có mà chết ah. Bố không thể giải quyết theo kiểu ấy được. Bố còn phải nghĩ đến chuyện sâu xa hơn.
PV: Chuyện sâu xa là chuyện gì vậy? Thưa bố!
LL: Là chuyện sóng to, gió lớn như vậy mà sao cái ghế ngồi của bố nó vẫn giữ vững không có lung lay được chứ chuyện gì nữa.
PV: Vậy hóa ra bố giải quyết theo kiểu 3 không à? Không nghe - không thấy - không biết.
LL: Phỏng! Sao lại là 3 không chứ? Nói thế thì hóa ra bố tự hạ thấp mình xuống sao?. Phải chính xác là 3 Có.
- Có nghe sơ sơ - Có biết sơ sơ - Có thấy sơ sơ.
PV: Bố có thể giải thích thêm
LL: Là bố kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, là giả vờ như biết mà không cần nghe hay thấy.
PV: Ồ!
LL: Thôi đừng đề cập mấy vấn đề này nữa nhé. Bây giờ chúng ta hãy vào trong thảo luận tiếp cái tiết mục ẩm thực cho nó ấm cái bụng đã nào.
PV: Thế sao được, chương trình còn dài mà bố chưa nói hết cái Tình yêu của bố ?
LL: Ơ hay nhở, cái anh này? Nãy giờ bố nói thế mà mày chưa hiểu hử? Là tình yêu cả đấy! Từ quê hương cho đến tình yêu riêng tư thầm kín của bố đều phản ánh hết rồi còn gì?
Với quê hương bố chọn cách yêu thầm lặng để tránh sóng gió,nếu có muốn nói gì thì phải nhỏ nhẹ thôi. Tốt nhất là la đám con cháu của mình trước, tại tụi nó hay kiện tụng bố. Riêng tình yêu nam nữ bố khuyên đừng nên giống bố với em Cơ sẽ không tốt cho lắm. Như cụ tổ bố đấy...cứ đẻ nhiều mà không dạy được nên đám con cháu của cụ cứ tràn ra ngoài và thỉnh thoảng viếng thăm đám con cháu của bố thật phiền lòng hết sức.
Với lại trong tình yêu đôi lứa các con cứ nhìn cái sừng của bố đây thì rõ nhé. Chả biết từ khi chia tay lên núi lập nghiệp em Cơ của bác làm gì trên đó? Nhưng riêng bố ở dưới này thì cái sừng càng ngày càng to. Đệch! không hiểu nổi.
PV: Nếu như lời bố nói thì cái chương trình mang tên Truyền Thuyết về Tình yêu của bọn con nó thật sự không đúng với cái tầm vóc của nó.
LL (bực mình): Tôi là tôi đi guốc trong bụng các anh nhá. Những việc trọng đại thì bọn anh còn chưa dám lên tiếng thâu âm, ghi hình... huống hồ gì mấy chuyện cỏn con này mà tầm với chả vóc. Các anh chém gió còn siêu cấp hơn tôi nữa mà lị...
Dứt câu lão Lạc phủi đít đi thẳng vô trong, đám phóng viên Vê Tê Vê đành ngơ ngác buồn rầu mà mà thu dọn công cụ hành nghề rồi thi nhau lượn.
( Trích từ Hồi ký của Lão Lạc)
Ơ, sao không đăng cái bài hát mới ra lò lên, mà lại là cái cười nhe răng này rứa huynh?
Trả lờiXóaChắc mới cãi nhau với thèn Hạc trên Thi Ẩm, nên post bài Hồn Lạc về đâu cho bỏ ghét! :))
Xóa:)) con bà nó...mệt quá đi :((
Xóa